Bộ Ngoại giao thông tin vụ 572 người Việt được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo Myanmar
(PNTĐ) - Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin về vụ việc 572 người Việt được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo qua điện thoại ở Shwe Kokko và KK Park thuộc thành phố Myawaddy, Myanmar.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc có công dân Việt Nam trong số 7.000 công dân nước ngoài được giải cứu hay không, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ phía Thái Lan về việc này. BNG Việt Nam đã chỉ đạo cho ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan làm việc với các cơ quan chức năng nước sở tại để xác minh thông tin liên quan và có biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm đang phối hợp với Bộ Công an khẩn trương hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành của Thái Lan và Myanmar. “Chúng tôi cho rằng các hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, bà Hằng nhấn mạnh.
Những người được giải cứu hiện đang tạm trú tại một số khu trại được canh phòng an ninh. Hai nhóm vũ trang kêu gọi Chính phủ Thái Lan và các quốc gia liên quan nhanh chóng phối hợp để đưa công dân của mình về nước.
Trước đó, truyền thông Myanmar cho biết, Lực lượng biên phòng bang Karen (BGF) đã gửi danh sách tên của 7.141 người thuộc 28 quốc tịch đến Lực lượng đặc nhiệm Ratchamanu của Thái Lan để xử lý, trong số đó có 6.716 nam và 425 nữ.

Thông tin từ tờ Bangkok Post cho biết có 4.860 nạn nhân người Trung Quốc, 572 người Việt Nam (511 nam và 61 nữ), 526 người Ấn Độ, 430 người Ethiopia, 283 người Indonesia, 127 người Philippines, 69 người Malaysia, 69 người Pakistan, 64 người Kenya và 25 người Đài Loan (Trung Quốc).
BGF đang tích cực giám sát hoạt động giải cứu nạn nhân và trấn áp các đối tượng buôn người, trong khi phía Thái Lan ngắt nguồn cung điện, dầu và internet cho 5 khu vực nằm gần biên giới của Myanmar. Khu vực này được cho là căn cứ của các băng đảng chuyên tổ chức những hoạt động lừa đảo qua điện thoại và internet nhằm vào người dân Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác trong nhiều năm qua.
Trước đó, vụ lừa đảo và bắt cóc diễn viên Trung Quốc Vương Tinh đã khiến chính quyền vào cuộc xử lý quyết liệt hơn. Tất cả những cá nhân trong nhóm trên đã được sàng lọc theo quốc tịch. Hiện lực lượng BGF đang tạm giữ để bảo vệ toàn bộ những công dân nước ngoài trên và đang làm việc với phía Thái Lan cũng như kêu gọi các nước hỗ trợ công tác hồi hương.
Một quan chức an ninh Thái Lan xác nhận Myanmar đã thông báo cho đại sứ quán các quốc gia liên quan để tạo điều kiện cho quá trình hồi hương công dân họ qua Thái Lan. Lực lượng đặc nhiệm Rajamanu thuộc Bộ chỉ huy Naresuan của Thái Lan sẽ phụ trách giám sát qua biên giới.