Góp ý Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi):

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân

KHẢI HOÀ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 8/6, góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) khi thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hộicơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người; đánh giá nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực này, Hiến pháp năm 2013.

Rà soát các quy định khác của pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm đánh giá tác động, rà soát các cam kết đánh giá quốc tế có liên quan, thảm khảo nhiều hệ thống pháp luật của các nước, đồng thời tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan tổ chức có liên quan.

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân  - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội)

Theo đại biểu, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều, tập trung vào một số nội dung cơ bản, cụ thể nên tên gọi là Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) là phù hợp.

Về phạm vi và tên gọi của Luật, so với Luật Phòng, chống mua bán người 2011, dự thảo Luật bổ sung “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và “điều kiện bảo đảm phòng, chống bán người”; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người vào phạm vi điều chỉnh.

Tán thành việc bổ sung các nội dung trên vào phạm vi điều chỉnh của Luật, theo Đỗ Đức Hồng Hà điều này phù hợp với 3 nhóm chính sách lớn đã được nêu trong Tờ trình 435/TTr-CP của Chính phủ, đồng thời, cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về đối tượng điều chỉnh của Luật, đại biểu cho rằng, so với Luật hiện hành, việc bổ sung đối tượng là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và quy định họ được hưởng một số chế độ như nạn nhân (nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý) là phù hợp. Đồng thời, “người thân thích” của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng được bảo vệ như nạn nhân, người thân thích của nạn nhân.

Việc bổ sung đối tượng này là một chính sách lớn, quan trọng, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người. Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thực tế và thể hiện rõ hơn nguyên tắc lấy “nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” làm trung tâm.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, quy định của dự thảo Luật về cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng.

Dự thảo Luật cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cơ bản phù hợp một số luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tố cáo... Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác của pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bên cạnh các trường hợp cần thiết như dự thảo Luật quy định, cần bổ sung trường hợp khi nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân yêu cầu. 

Bổ sung ưu tiên với nạn nhân yếu thế

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế. 

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân  - ảnh 2
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam (địa bàn, đối tượng bị mua bán) chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, cho nên về địa bàn, khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật đã thiết kế quy định “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, về đối tượng, nạn nhân bị mua bán đa dạng song tập trung khá nhiều vào đối tượng yếu thế (phụ nữ, trẻ em), vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung sự ưu tiên nhất định đối với đối tượng nạn nhân yếu thế.

Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người nhà nạn nhân

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, hơn 70% nạn nhân của tình trạng mua bán người là phụ nữ trong độ tuổi 18 – 30 tuổi. Đáng chú ý là nạn nhân nam trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị mua bán để bóc lột sức lao động có xu hướng gia tăng. Do vậy, đại biểu bày tỏ tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, đó là bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì dự thảo luật cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân  - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) 

Theo đại biểu, dự thảo luật bổ sung nhiều quy định, trong đó có quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân "là rất nhân văn và tiến bộ". Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới và về bất cứ lý do nào khác; cấm kỳ thị, phân biết đối xử với cả thân nhân của nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. 

Hỗ trợ nạn nhân vay vốn khó thực thi

Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân tại Điều 6, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm quyền "được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm" để nạn nhân sau khi trở về có công việc tạo thu nhập, qua đó ổn định cuộc sống, không trở thành đối tượng bị mua bán người. 

Tại khoản 1, Điều 6 dự thảo, quyền của nạn nhân gồm có 8 quyền cụ thể, trong đó phân rõ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nạn nhân, tăng nhiều quyền so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012. Theo đại biểu, trong thực tế, nạn nhân sau khi bị mua bán người trở về thường khó hòa nhập cộng đồng, không có được nguồn thu nhập ổn định nếu không có sự trợ giúp của gia đình, các cơ quan, đoàn thể địa phương.

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân  - ảnh 4
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang)

Cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, nếu quy định về vay vốn như dự thảo Luật thì có thể nạn nhân mua bán người sẽ không tiếp cận được chính sách này. 

Cụ thể, tại Điều 43, quy định nạn nhân mua bán người khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. 

Bổ sung thêm quyền được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân  - ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, quy định hiện hành về đối tượng vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì nạn nhân mua bán người không thuộc đối tượng cho vay. Như vậy, quy định như dự thảo Luật, khi nạn nhân trở về nơi cư trú nếu không thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay vốn theo quy định của pháp luật thì sẽ không được xem xét cho vay, không tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về có công ăn việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng. 

Vì vậy đại biểu đề nghị, để bảo đảm tính khả thi, cần nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - Năm 2024, Các cấp Hội Phụ nữ quận Long Biên đã tích cực, chủ động triển khai chủ đề công tác năm 2024 của Quận với 34 công trình chỉnh trang đô thị và sân chơi an toàn cho trẻ em; nhiều mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác, chuyển đổi số đạt được hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa lan toả cao.
Phụ nữ Long Biên phát huy truyền thống “Ba đảmđang”, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Phụ nữ Long Biên phát huy truyền thống “Ba đảmđang”, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2024, hưởng ứng chủ đề công tác năm 2025 của các cấp Hội Phụ nữ, năm 2025 Hội LHPN quận Long Biên phát động thi đua với chủ đề: “Phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Long Biên tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.