Bộ Tài chính nêu giải pháp tăng trưởng cán đích 8% cả năm
(PNTĐ) - Chiều 6/4, tại phiên Họp báo chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Thành Trung đã có thông tin với báo chí về những giải pháp Liên quan tới kết quả tăng trưởng GDP quý 1 và cả năm 2025, kết quả thu hút FDI.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Thành Trung cho biết tăng trưởng quý 1/2025 là 6,93%, đây là mức tăng trưởng quý 1 cao nhất trong giai đoạn 2020-2025 và cũng lâu lắm mới ghi nhận mức tăng trưởng cao, khá đồng đều trong cả 3 khu vực (doanh nghiệp, chế biến chế tạo…)

Thứ trưởng nhấn mạnh đặc điểm tăng trưởng trong quý 1/2025 của ngành công nghiệp chế biến chế tạo khá sát với kịch bản đã đề ra. Đặc biệt, mức tăng trưởng quý 1 6,93% cao hơn kịch bản ban đầu tại Hội nghị Trung ương 10 quyết định, nhưng thấp hơn so với kịch bản do Hội nghị Trung ương 10 ban, Kết luận số 123-KL/TW để làm sao mục tiêu tăng trưởng cả năm 8% trở lên (nằm ở khoảng giữa).
“Thực ra từ khi Trung ương ban hành Kết luận 123 đến nay thì chúng ta không có nhiều thời gian, và ngay trong quý 1 có nhiều ngày nghỉ nhưng đạt được kết quả tăng trưởng 6,93% gần sát kích bản tăng trưởng cao đề ra là 7,7% thì chúng tôi cho rằng đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, của người dân, doanh nghiệp, bộ máy chính trị đã nỗ lực rất lớn”- Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Dẫn thêm thông tin, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính bước vào năm 2025 đã có nhiều nhận định đưa ra đây là năm rất khó khăn, rất nhiều vấn đề khó lường và khó dự báo, tuy nhiên Thủ tướng, Chính phủ rất quyết tâm, nỗ lực để làm sao đạt được mục tiêu tăng trưởng. Cho dù gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4, nhưng cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng vẫn yêu cầu và quyết tâm chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2025 không thay đổi, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên và đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và các khu vực, tính chung Bộ xây dựng cho quý 2/2025 đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3% và lần lượt quý 3 và quý 3 đạt khoảng 8,3-8,4%.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, kịch bản này tăng cao hơn so với kịch bản ban đầu khi Chính phủ thông qua sau khi có Kết luận 123 khoảng 0,27%. Mặc dù kịch bản này rất thách thức, tuy nhiên Bộ đã phân tích và đánh giá để đạt được.
Cụ thể, lĩnh vực chế biến chế tạo, trong quý 1/2025 tăng 9,28% và với kịch bản của quý 2, lĩnh vực này sẽ tăng 10,1%.
Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng mà chưa đạt được yêu cầu, như: công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt… và chúng ta thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa hiện nay có thể đóng góp cho tăng trưởng như: giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thêm nữa cho lĩnh vực du lịch dịch vụ (đây là lĩnh vực trong quý 1 đóng góp nhiều cho tăng trưởng, cụ thể ngay trong quý 1 cả nước đã đón được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế…) và đây là những dư địa và khu vực tiềm năng có thể đóng góp cho tăng trưởng.
Và để khẳng định lại, kết quả quý 1 tuy chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhưng chúng ta có cơ sở để tiếp tục phấn đấu (kỳ vọng) hơn 8% nhưng chúng ta lấy mốc 8% để làm mục tiêu xây dựng các kịch bản tương tự, coi đó là kịch bản cơ sở, chắc chắn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ phấn đấu đạt và vượt và phấn đấu cao hơn mức đề ra.
Liên quan tới thu hút đầu tư nước ngoài và khả năng cả năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quý 1 đạt khá, vốn đăng ký mới và điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý 1 đạt xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện riêng đầu tư là 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo (chiếm gần 62%) tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ.
Nhận định các quý tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết có một số yếu tố lớn, đó là các tổ chức quốc tế, các thể chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác xuất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể suy giảm kinh tế, do đó rất nhiều tổ chức đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cái này chắc chắn có ảnh hưởng tới Việt Nam.
Hơn nữa, chính sách thuế của Mỹ không chỉ áp riêng cho Việt Nam mà tất cả các quốc gia có thương mại với Mỹ và chắc chắn đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.
Cuối cùng là môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhất định, đơn cử sau khi tin áp thuế đưa ra, Chính phủ đã có cuộc họp rất nhanh nhưng phản ứng của nhà đầu tư đôi chút thái quá, trên thị trường chứng khoán sau 2 ngày đã mất gần 100 điểm, nhưng tôi tin với nỗ lực của Chính phủ thì chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Mặc dù có 2 diễn biến, nhưng phía Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã lập tổ công tác để làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn, để xúc tiến và cụ thể hóa các dự án lớn về đầu tư nước ngoài, mục tiêu vẫn đặt ra đăng ký trong năm nay vẫn từ 39-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn từ 27-28 tỷ USD (mục tiêu này tiếp tục phấn đấu).
Về tiền số, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa… Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý… theo đó Bộ cũng kiến nghị Chính phủ về thừa nhận sự tồn tại cũng như tiềm năng của tài sản số, đây là quan điểm rất quan trọng.
Ngay trong tháng 3/2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa và Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện việc này.
Với quan điểm, nguyên tắc triển khai thận trọng có lộ trình, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức tham gia trên thị trường mã hóa, việc triển khai này sẽ được triển khai thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa gắn với tài sản (cần phối hợp để làm rõ đây không phải chứng khoán…) và việc thực hiện trên thị trường giao dịch, phát hành tài sản mã hóa này hứa hẹn thêm kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản truyền thống và triển khai thí điểm trên thị trường sẽ cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa là công dân.
“Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã có văn bản: như dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trong 2 văn bản gần đây ngày 27/3 và 29/3 và chúng tôi sẽ hoàn thiện, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình những ý kiến để hoàn thiện dự thảo kế tiếp trước khi báo cáo Chính phủ.” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.