Bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội

ĐỨC HẠNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh; giữa dân số với phát triển, kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn.

Sáng nay (ngày 30/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội - ảnh 1
Đại biểu Đỗ Thị Lan - tỉnh Quảng Ninh (ảnh: Q.H)

Đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) khẳng định Quốc hội quyết định đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022 về thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực là rất đúng đắn và kịp thời. 

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có những điểm mới khắc phục được tình trạng nhiều luật, pháp lệnh quy định về quy hoạch. Đến thời điểm trước khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua có 101 luật, pháp lệnh và 85 nghị định có quy định về hoạt động quy hoạch, giảm số quy hoạch phải lập và giảm kinh phí lập quy hoạch, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch thống nhất, đồng bộ hơn, phân định rõ được quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và khắc phục chồng chéo giữa các quy hoạch. 

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Luật Quy hoạch có hiệu lực mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua, 6 quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, còn 104 quy hoạch đang lập chưa hoàn thành. Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, việc chậm tiến độ phê duyệt quy hoạch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và cả giai đoạn quy hoạch. Do đó, rất cần Quốc hội giám sát, đánh giá toàn diện kết quả hạn chế, vướng mắc, bất cập để đề ra giải pháp giải quyết, đẩy nhanh các tiến độ để lập các quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030. 

Qua báo cáo cho thấy, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ kết quả tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội những nội dung rất sát thực; đồng thời, đề nghị với Chính phủ những giải pháp để tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch trong thời gian tới. 

Thống nhất với ý kiến của Đoàn giám sát về chỉ rõ những trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là cần chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm trễ lập các quy hoạch, đại biểu Đỗ Thị Lan đề xuất với Chính phủ một số giải pháp tổ chức lập quy hoạch. 

Đó là chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, hiện các quy hoạch đều được lập đồng thời, chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành làm cơ sở để lập quy hoạch tỉnh. Quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước, song nếu không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì có thể phải điều chỉnh. Nếu không có cơ sở, cơ chế để trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu liên quan trong quá trình lập quy hoạch sẽ dẫn đến có thể phải điều chỉnh nhiều quy hoạch cấp thấp hơn, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngoài ra, theo nhiệm vụ lập quy hoạch của các ngành quốc gia, hiện nay chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng lập quy hoạch liên quan hệ thống hạ tầng thuộc ngành. Đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc ngành mình quản lý, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho cấp tỉnh để lập các quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và tạo sự chủ động trong việc bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Đặc biệt, đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh giữa dân số với phát triển, kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn.

Đồng thời, đảm bảo quy hoạch phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, có tính khả thi cao để tránh quy hoạch các dự án đầu tư nhiều năm nhưng không thực hiện dẫn đến dự án treo, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân bị thu hồi đất và lãng phí đất đai.

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.