Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022):
Cả đời nguyện cống hiến vì Tổ quốc, cộng đồng
(PNTĐ) -Những ngày này, bà Lê Thị Hồi, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Cầu Giấy cùng các đồng đội rất bận rộn với các hoạt động nghĩa tình. Vừa trở về từ chuyến thăm đồng đội ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, bà lại bắt tay ngay vào chuẩn bị hoạt động gặp mặt, thăm và tặng quà các hội viên trên địa bàn quận.

Bà Lê Thị Hồi sinh năm 1953, quê ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. 50 năm trước, vào tháng 7/1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà cùng hơn 100 chị em từ 29 xã của huyện Từ Liêm tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước thuộc Đại đội C2653-N265, Tổng đội Hà Nội.
Bà nhớ lại: “Ngày đó, chúng tôi đều còn rất trẻ, người mới 16 tuổi, người cao tuổi nhất cũng chỉ 28-30, còn lại trung bình ở tuổi 20. Đơn vị của tôi đóng quân ở Hà Bắc dưới sự tiếp nhận của Công ty xếp dỡ - Tổng cục Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa tại ga Đáp Cầu chuyển vào chi viện cho miền Nam ruột thịt. Để tránh sự chú ý của máy bay Mỹ, chúng tôi phải bốc dỡ hàng vào ban đêm”. Sau đó, đơn vị của bà lại tiếp tục làm nhiệm vụ ở nhiều địa bàn khác như ga đầu mối trọng điểm Yên Viên (Gia Lâm), ga Yên Bái (Yên Bái)… Bà và các đồng đội đã cùng các đơn vị bạn bốc xếp hàng vạn tấn hàng hóa để giải phóng tầu tránh địch bắn phá, tham gia khôi phục, bảo dưỡng các cung, đoạn đường sắt hỏng... Dưới mưa bom bão đạn, những bữa cơm với rau, sắn, măng rừng… trộn hơi bom và cát, các nữ thanh niên xung phong vẫn kiên cường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau khi đế quốc Mỹ thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972 buộc Mỹ phải ngồi đàm phán và ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, đơn vị của bà được chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Bà Hồi sau khi xuất ngũ vào tháng 1/1974 đã được Huyện Đoàn Từ Liêm giới thiệu về Nhà máy Cơ khí số 5 Bộ Xây dựng học nghề. Từ năm 1979, bà trở về địa phương, đảm nhiệm nhiều cương vị cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2009 như Bí thư Đoàn TNCS xã Dịch Vọng, UVBCH Huyện Đoàn Từ Liêm; Thư ký UBND xã Dịch Vọng; Chủ tịch HĐND và Phó Bí thư Đảng ủy xã Dịch Vọng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Dịch Vọng Hậu…
Năm 2010, bà là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Cầu Giấy. “12 năm qua, tôi đã làm nhiệm vụ của một Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong bằng tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý của tôi dành cho đồng đội và những đóng góp của họ”- bà Hồi tâm sự.
Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Cầu Giấy hiện có hơn 500 hội viên với 70% là phụ nữ, 11 chị thanh niên xung phong không có gia đình. “Đây là một hội đặc thù, số hội viên kết nạp mới không nhiều nhưng mỗi năm lại thêm hội viên mất đi” - bà Hồi ngậm ngùi. Có chị tuổi đời hãy còn trẻ, nhưng qua đời do mang nhiều di chứng chiến tranh. Nhiều đồng đội, nhất là các thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp tuổi ngày một cao, sức yếu dần, trí óc cũng không còn minh mẫn. Vì vậy, bà Hồi hiểu rằng, bà và Ban Chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Cầu Giấy sẽ phải tận dụng tối đa thời gian, cố gắng làm thật nhiều điều cho các đồng đội của mình.
“Nhiệm vụ đầu tiên và xuyên suốt của Hội chúng tôi là công tác về nghĩa tình đồng đội. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ 27/7, chúng tôi lại tổ chức gặp mặt, đến thăm, tặng quà, chia sẻ, động viên tinh thần, chia sẻ buồn vui với các đồng đội của mình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các chị em thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Hội cũng tổ chức các hoạt động báo công để các hội viên được báo công, ôn lại những chiến tích hào hùng trong quá khứ; biểu dương các hội viên tiêu biểu”.
Cùng với đó, Hội Cựu Thanh niên xung phong do bà Hồi là Chủ tịch cũng đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống hội viên. Bằng việc đứng ra vận động các hội viên đóng góp và từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Hội đã xây dựng được Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, tính đến tháng 4/2022 đã có nguồn quỹ hơn 310 triệu đồng… Mô hình “Liên gia đình Cựu Thanh niên xung phong giúp nhau phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống bền vững” do Hội thành lập cũng đã giúp cho nhiều Cựu Thanh niên xung phong được vay vốn không lãi để phát triển kinh tế gia đình. Hội còn kêu gọi toàn thể hội viên tiết kiệm chi tiêu dành một phần ủng hộ hoạt động nhân đạo từ thiện với mức tiết kiệm 1.000 đồng/ngày. Từ đó, hội viên mổ lợn lấy kinh phí để ủng hộ Quỹ Vì biển đảo, Tháng Nhân đạo qua Hội Chữ thập đỏ, tặng bữa cơm nhân ái cho bệnh viện đang điều trị tại Huyết học và Truyền máu Trung ương, giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung…
“Trong thời chiến, những thanh niên xung phong chúng tôi sẵn sàng cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi đất nước hòa bình, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn muốn được tiếp tục sống có ích, cống hiến cho đất nước, cộng đồng”- bà Hồi chia sẻ.