Các cơ quan báo chí Hà Nội ký giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 10/8, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô và tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.

Thông tin tại lễ phát động, đồng chí Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội khẳng định: "Đây thực sự là hoạt động ý nghĩa, thiết thực đối với những người làm báo; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo".

Các cơ quan báo chí Hà Nội ký giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa - ảnh 1
Đồng chí Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội phát biểu tại lễ ký kết

Theo đó, để hưởng ứng và triển khai phong trào "xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô" đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua tới các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Thủ đô, cán bộ công nhân viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng, thực hiện và lan tỏa phong trào ra xã hội.

Hội Nhà báo thành phố cam kết duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, để từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội ở Thủ đô và đất nước.
Trên cơ sở đó, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phát động và triển khai phong trào với một số nội dung: Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí Thủ đô văn hóa, người làm báo Thủ đô văn hóa; Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; Giữ gìn nét văn hóa báo chí Thủ đô gắn với lợi ích chung của đất nước và Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Các cơ quan báo chí Hà Nội ký giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa - ảnh 2
Đại diện các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện ký kết giao ước thi đua

Thông qua hoạt động này, Hội Nhà báo Hà Nội mong muốn phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước và Thủ đô cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí; Nêu cao tinh thần xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa của các cơ quan báo chí và người làm báo Việt Nam; Tạo giá trị văn hóa của những người làm báo Thủ đô trong chiều sâu văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhiền đến năm 2045.

Đánh giá cao hoạt động ký kết của Hội Nhà báo Hà Nội, đồng chí Phạm Thanh Học - Phó trưởng ban Thường trực ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh: Mọi tiêu chuẩn, tiêu chí văn hóa trong cơ quan đoàn thể nói chung, cơ quan báo chí nói riêng đều phải được thể hiện từ những người gác cổng. Để xây dựng được môi trường văn hóa, điều quan trọng là mọi người phải thuận hòa, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau mọi lúc mọi nơi; giữa các ban, phòng, bộ phận phải trên dưới đồng thuận, đổi mới. Có như vậy tờ báo sẽ ngày càng phát triển.

Ngày 21 tháng 6 năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN về việc Ban hành tiêu chí cơ quan Văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam gồm:
 
 Cơ quan báo chí văn hóa:
1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
 
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

5. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; Hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Văn hóa của người làm báo

1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

2.Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc

Hà Nội hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc

(PNTĐ) - Kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2013-20/3/2024), ngày 19/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức  trưng bày, giới thiệu sách với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” và nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”.