Các địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát để không bỏ sót các đối tượng cần tiêm

VÂN NHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 11/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Hội nghị giao ban về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn thành phố. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố; các quận, huyện, thị xã.

Một số người dân đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt trên địa bàn. Tính đến ngày 10/8, Hà Nội đã ghi nhận 1.615.049 ca mắc Covid-19 và 112 ngày không ghi nhận tử vong do Covid-19 (kể từ ngày 19/4/2022); đã thực hiện giải trình tự gen 318 mẫu xét nghiệm ghi nhận chủ yếu vẫn là các chủng BA.2, song đã xuất hiện  biến chủng phụ của Omicron BA.4, BA.5. Hiện còn 3.374 trường hợp được quản lý theo dõi, trong đó có 118 trường hợp tại bệnh viện, còn lại được theo dõi, quản lý điều trị tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương thông tin, hiện dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh lưu hành khác đang được kiểm soát, số mắc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 196 ca; sốt xuất huyết ghi nhận 608 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 359 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc/nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, tính đến ngày 10/8, thành phố đã tiếp nhận, phân bổ 17.501.993 liều vắc xin, trong đó đã sử dụng 17.151.232 liều và tiếp tục triển khai tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Thời gian qua thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm chủng, song tiến độ còn chậm do người dân hưởng ứng thấp bởi một số lý do như: Dịch đã được kiểm soát tốt nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19; tâm lý về việc đã bị bệnh và tiêm chủng mũi 3 nên không muốn tiêm mũi 4. Vì thế, thành phố tiếp tục tăng tốc độ tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm bảo đảm hoàn thành trong tháng 8-2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… báo cáo rõ hơn về tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng như tình hình phòng, chống các dịch bệnh mùa hè khác. Các địa phương cho biết, thời gian qua đã đôn đốc các trường học tăng cường truyền thông về lợi ích của vắc xin, vận động phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm. Theo đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các lứa tuổi học sinh trên địa bàn đã có tiến triển.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát để không bỏ sót các đối tượng cần tiêm - ảnh 1
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương thời gian qua

 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, sau khi nhận được Công điện của thành phố, đơn vị đã lập tức có văn bản chỉ đạo, giao rõ trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và phòng giáo dục các quận, huyện, thị xã. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch làm rõ được dự kiến thời gian để tổ chức tiêm, trách nhiệm phân công của từng thành viên trong nhà trường. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ chủ động trao đổi thông tin, vận động, yêu cầu, giao trách nhiệm bằng văn bản theo ngành; đồng thời, đảm bảo sẽ đáp ứng việc tiêm chủng cơ bản hoàn thành trong tháng 8-2022. Đề làm tốt được nhiệm vụ chung, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Y tế có kế hoạch chuẩn bị vắc xin, nhân lực, vật lực để sẵn sàng đáp ứng cho các quận, huyện, thị xã khi có kế hoạch triển khai; đồng thời, có tư liệu tuyên truyền cho các địa phương một cách chính thống, ngắn gọn dễ hiểu về tác dụng của vắc xin cũng như sự cần thiết phải tiêm vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19

Phát biểu giải đáp và làm rõ một số ý kiến của các địa phương tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân trên địa bàn thành phố. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát để không bỏ sót các đối tượng cần tiêm; đồng thời báo cáo số liệu cụ thể với Sở Y tế để chủ động trong tiếp nhận và phân bổ đủ liều vắc xin. Về phía Sở Y tế sẽ tiếp tục tập huấn cho các địa phương, đơn vị để bảo đảm an toàn cho công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm; sẵn sàng điều động các đơn vị hỗ trợ cho các địa phương nếu chưa đủ nguồn nhân lực phục vụ công tác tiêm chủng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương thời gian qua nên tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt. Trên cơ sở thực tế và báo cáo của các địa phương, đồng chí Chử Xuân Dũng cho rằng, dịch Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng với những biến chủng mới xâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, đặc biệt là lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt như mong muốn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, ngày 9/8 vừa qua Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19. Trên cơ sở nội dung của Công điện, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai quyết liệt công tác này. “Việc hoàn thành công tác tiêm vắc xin Covid-19 cũng như bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hiện nay gắn với trách nhiệm mà các địa phương phải tập trung triển khai thực hiện. Địa phương nào làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng. Nếu địa phương nào làm không tốt sẽ bị phê bình, nhắc nhở để rút kinh nghiệm” – đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương sớm mở chiến dịch tiêm vắc xin; rà soát công tác tiêm chủng dành cho các đối tượng một cách tổng thể để việc tiêm vắc xin nhanh nhất, đạt kết quả tỷ lệ cao nhất. Để làm được điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của các địa phương. Đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương, đơn vị phải triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt. Trong đó, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được tác dụng của việc tiêm vắc xin, để người dân nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác này. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát một cách kỹ càng, cẩn thận từ cách vận động người dân đến triển khai tiêm chủng sao cho hiệu quả, khoa học và an toàn cho người dân; đảm bảo sẽ đáp ứng việc tiêm chủng cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2022.

 Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu đơn vị khẩn trương vận động và trước hết là tiêm vắc xin cho các giáo viên, sau đó các giáo viên tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được tác dụng của việc tiêm vắc xin đối với các em học sinh để khi các em trở lại trường vào năm học mới được an toàn. Đối với Sở Y tế cần có sự điều phối, hỗ trợ các địa phương trong bảo đảm các dây truyền tiêm; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để công tác tiêm vắc xin bảo đảm an toàn. Đối với Sở Lao động và Thương binh, Xã hội cần rà soát lại số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn để thực hiện công tác tiêm chủng cho hiệu quả, tránh bỏ sót các đối tượng cần tiêm.

Tin cùng chuyên mục