Các tiêu chí xã thành phường của 5 huyện triển khai phát triển thành quận đều chưa hoàn thành

Chia sẻ

Sáng 24-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo và các địa phương.

Báo cáo tóm tắt của Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết, nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) cấp thành phố để thực hiện các đề án dự kiến bố trí 13.105 tỷ đồng để đầu tư 36 dự án. Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) còn dự kiến đầu tư cho 44 dự án, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.468 tỷ đồng. Đối với dự án nhiệm vụ chi cấp huyện được thành phố hỗ trợ, năm 2021, thành phố hỗ trợ 1.169 tỷ đồng và năm 2022 là 1.065 tỷ đồng cho 5 huyện. Về ngân sách cấp huyện, 5 huyện dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 1.866 dự án với kinh phí là 69.763 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghịChủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Để hoàn thành đề án thành quận, các huyện phải đạt được 2 nhóm tiêu chí (gồm có 27 tiêu chí để huyện thành quận và 15 tiêu chí để xã thành phường). Về kết quả đạt được các tiêu chí lên quận ước đến hết năm 2021, các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì còn từ 2 đến 6 tiêu chí chưa đạt. Về kết quả các tiêu chí xã thành phường, hầu hết các xã tại 5 huyện chưa hoàn thành các tiêu chí.

Nguồn lực để thực hiện các đề án được Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Nhiều dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố để hoàn thành tiêu chí huyện lên quận đã được thành phố dự nguồn, dự kiến bố trí để thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) của thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa đủ thủ tục để bố trí vốn triển khai.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các huyện đã xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành cho từng tiêu chí và lộ trình hoàn thành đề án. Cụ thể, hai huyện Gia Lâm và Hoài Đức phấn đấu hoàn thành năm 2023-2024; huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành năm 2024-2025; hai huyện Đan Phượng và Đông Anh phấn đấu hoàn thành năm 2025.

Tại hội nghị, các huyện đề nghị thành phố bảo đảm các điều kiện thực hiện các tiêu chí liên quan đến thẩm quyền sở, ngành và thành phố như công tác quy hoạch; xây dựng các dự án đường giao thông; đẩy nhanh tiến độ các dự án y tế ngoài ngân sách, nâng cấp, mở rộng bệnh viện tuyến huyện; triển khai các dự án xử lý nước thải trên địa bàn…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, hiện nay, có 3 nhóm tiêu chí lớn, khó thực hiện là cân đối ngân sách, hạ tầng giao thông và y tế đô thị. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện cần có quyết tâm chính trị và xây dựng lộ trình để hoàn thành. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát các tiêu chí chưa đạt, tiêu chí nào dễ thì cố gắng phấn đấu sớm hoàn thành và hoàn thành cao hơn mức đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chủ động phối hợp với các huyện trong thực hiện các đề án, tiêu chí lên quận, hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền. “Các huyện cũng cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo đảm sự ổn định trên địa bàn song song với nhiệm vụ phấn đấu phát triển lên quận”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các đơn vị thống nhất cách hiểu nội hàm trong các tiêu chí để triển khai các dự án. Đồng thời, yêu cầu các huyện chủ động rà soát các tiêu chí từ cấp huyện đến cấp xã. Từ đó, có lộ trình, giải pháp và có danh mục dự án cấp huyện, cấp thành phố để xác định rõ đầu việc, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Khởi động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024

Khởi động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024

(PNTĐ) - Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Văn bản số 716/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024.