Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

Chia sẻ

Trong khuôn khổ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, vấn đề đạo đức nhà báo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội là vấn đề nhận được sự quan tâm của đại đa số đại biểu. Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã có bài tham luận đầy tâm huyết quanh vấn đề này.

Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí truyền thông Việt Nam, khi báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, tình hình chính trị, an ninh của đất nước… thì  đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn.

Hiện nay, một số nhà báo đã trở thành “nhà báo bàn phím” và trục lợi thông tin- Ảnh: InterHiện nay, một số nhà báo đã trở thành “nhà báo bàn phím” và trục lợi thông tin- Ảnh: Inter

Lịch sử phát triển của báo chí, truyền thông gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ. Có thể thấy khoa học công nghệ không chỉ tác động đến cách thức báo chí, truyền thông truyền đi thông điệp của mình, chi phối, tác động đến cách thức và hiệu quả tiếp cận của công chúng mà còn tác động sâu sắc vào chất lượng thông tin.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của các hệ thống thông minh đang mang đến những cơ hội và thách thức đối với hoạt động quản lý báo chí, truyền thông. Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghệ này, đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông, giữ gìn sự minh bạch và trong sáng của đạo đức nghề báo trong bối cảnh mới là một câu hỏi lớn.

Trước hết, phải khẳng định rằng, đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã hội. Nó vừa thể hiện những giá trị chung được toàn thể loài người, không phân biệt môi trường sinh sống, chính kiến, niềm tin, truyền thống... cùng chia sẻ, vừa phản ánh những đặc thù tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh, lý tưởng và niềm tin của quốc gia, dân tộc nơi nền báo chí ấy ra đời.

Từ những quy định chung của đạo đức người làm báo, từ thực tiễn hoạt động báo chí và từ sâu thẳm những xác tín nghề nghiệp của mình, người làm báo cần phải luôn ý thức rằng, một tác phẩm báo chí tốt và một nhà báo có đạo đức phải (và luôn luôn) đảm bảo tuân thủ 4 yếu tố sau: thời sự - trung thực - có tính định hướng cao và phù hợp với lợi ích của nhân dân.

Khi một người tham gia viết báo, muốn trở thành nhà báo tốt, anh ta chịu sự chi phối và quyết định của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tính chính trị và sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay.

Sự nhạy cảm được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của một phóng viên báo chí, thể hiện rõ đạo đức báo chí. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

Có thể khẳng định, nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo (NLB) Việt NamHội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo (NLB) Việt Nam (Ảnh: Inter)

Trong sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, cách làm báo truyền thống với tính định kỳ đã bị phá bỏ, đồng nghĩa với việc tạo nên một thế hệ nhà báo mới, không chỉ nhạy bén với xử lý thông tin mà còn khoa học và năng động trong làm chủ công nghệ. Yêu cầu bắt buộc của nhà báo hiện nay là phải xử lý thông tin trong mọi hoàn cảnh và phải cập nhật tin tức vào bất cứ thời điểm nào.

Công nghệ cho phép họ làm điều đó, tuy nhiên công nghệ cũng đang tạo ra một bộ phận nhà báo hoặc là trở nên dễ dãi với nghề hoặc là trở nên cơ hội, biến tướng, thậm chí là trục lợi nghề nghiệp, làm méo mó hình ảnh của người làm báo. Biểu hiện rõ nhất là có một số nhà báo đang dần trở thành “nhà báo sa-lông”, “nhà báo cắt dán”, “nhà báo bàn phím” và trục lợi thông tin.

Sự kết nối Internet toàn cầu tạo ra các “siêu xa lộ thông tin” và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng tạo ra thách thức lớn cho người làm báo trong kỹ năng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Khi trên “cái chợ” mạng xã hội đang có quá nhiều những thông tin trái chiều, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin phản văn hóa… thì một người làm báo nghiêm túc, tôn trọng phẩm chất nghề nghiệp cần phải phát ngôn trung thực, khách quan, nhân văn và có tính chính kiến cao để góp phần định hướng thông tin, bảo vệ cái đúng, đấu tranh đả phá những thông tin sai lệch, bôi nhọ vì người đọc không chỉ quan tâm đến bạn với tư cách một tài khoản mạng xã hội mà còn với tư cách của một người làm báo, một người có khả năng kiểm chứng và định hướng thông tin bằng chính sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình! Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên mạng xã hội và  các phương tiện truyền thông khác.

Với các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị và các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi cho rằng thay vì việc cố gắng kiểm soát Internet và cố gắng hạn chế mạng xã hội mà về hình thức là thô bạo và về cơ chế là... tuyệt vọng thì cần và phải hướng về phía chủ động làm tốt mảng truyền thông nhà nước với việc cung cấp thông tin chính thống, minh bạch, định hướng dư luận, trách nhiệm giải trình và quản trị khủng hoảng truyền thông để người làm báo có nguồn thông tin chính thống, kịp thời, khách quan để tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác một cách trách nhiệm, chuẩn mực và hiệu quả!

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước trên thế giới. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống.

Mặt khác, không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết. Kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù lớn đến đâu cũng không được làm cho người đọc mất lòng tin và dũng khí, ngược lại phải tiếp thêm sức mạnh cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào cuộc đấu tranh đến cùng đẩy lùi những tiêu cực. Đội ngũ những người làm báo phải tổ chức phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao.

Đó chính là lương tâm, là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính!

Nhà báo NGUYỄN XUÂN HẢI (Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh)

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.