Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, biến thách thức thành cơ hội

Chia sẻ

Sáng ngày 4/1, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Văn phòng Chính phủ đã thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP; đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 tại buổi họp báo Chính phủ sáng 4/1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 tại buổi họp báo Chính phủ sáng 4/1 (Ảnh: VGP)

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tinh thần của Nghị quyết 01 là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Thực hiện tinh thần trên, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao); Xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; Quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...

Bên cạnh Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 năm 2021 thể hiện thông điệp của Chính phủ: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục. Bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

Theo TS Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điểm mới của Nghị quyết 02 là việc đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Bởi trước đây, cải cách của chúng ta chỉ nằm trong phạm vi một bộ, ngành, trong khi doanh nghiệp chịu sự tác động của liên ngành. Khi các đơn vị có sự phối hợp trong giải quyết vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) sẽ được xử lý một cách triệt để.

Ngoài ra, Nghị quyết 02 cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

“Đây là một đòi hỏi hết sức khách quan và bức thiết để phục vụ tăng trưởng; là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới. Nếu như chúng ta không chuyển đổi số kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân các DN Việt Nam cũng tụt hậu so với các DN trên thế giới” -Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ triển khai từ năm 2021 chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại doanh nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 năm tới, cố gắng làm sao để các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của thế giới. Đồng thời, giúp các DN của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp, cũng như hỗ trợ các DN phát triển, lớn mạnh, khắc phục hạn chế trong thời gian vừa qua.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và dân công hỏa tham gia chiến dịch Điện Biên

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và dân công hỏa tham gia chiến dịch Điện Biên

(PNTĐ) - Sáng 3/5, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trên địa bàn Thị xã Sơn Tây.
Nhiều học sinh trường THPT Phan Bội Châu vi phạm luật giao thông

Nhiều học sinh trường THPT Phan Bội Châu vi phạm luật giao thông

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được thông tin của phụ huynh trường THCS Văn Yên, phường Phúc La, quận Hà Đông phản ánh về việc hằng ngày vào giờ cao điểm đến trường và tan trường, khu vực cổng trường và đường xung quanh có nhiều học sinh trường THPT Phan Bội Châu vi phạm luật giao thông trong việc đi xe máy phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm gây mất trật tự an toàn giao thông và đã có va chạm xảy ra.