Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Cần bổ sung để môi trường là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô
(PNTĐ) - Nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công tác bảo vệ môi trường. Để nâng cao chất lượng môi trường theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung một số vấn đề để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012. Trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm chính sách đã thông qua, dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng khẳng định, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với quan điểm Thủ đô cần có các chính sách đặc thù vượt trội để đem lại những kết quả đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Qua đó góp phần tạo ra động lực dẫn dắt cho các địa phương khác trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, các quy định đặc thù cần được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự thống nhất về chủ trương và nguyên tắc điều chỉnh đối với từng lĩnh vực cụ thể của hệ thống pháp luật.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể những vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan để đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước, xử lý chất thải rắn…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lưu Thị Thanh Chi cho biết, kế thừa những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Trung ương, thành phố Hà Nội và các quy định trong điều 14 Luật Thủ đô 2012, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo Luật nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường
Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải.