Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chia sẻ tại buổi toạ đàm "Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã phân tích những vướng mắc và đưa ra những giải pháp để sớm có nhiều nhà ở cho công nhân.

Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân - ảnh 1

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở xã hội hiện chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân. Trong khi cả nước có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, thì có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích hơn 3,1 triệu m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Áp lực về nhà ở cho người lao động, nhất là công nhân khu công nghiệp, chế xuất đã được đề cập rất nhiều từ thực tế đến nghị trường Quốc hội mỗi khi được đưa ra bàn thảo về sửa đổi các luật đất đai, luật nhà ở,…

Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân - ảnh 2
Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá: Chung cư mini nở rộ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và nhiều khu công nghiệp khác là chuyện dễ hiểu và quy luật thị trường là "có cầu, ắt có cung", nhu cầu của những người lao động nghèo đến các thành phố lớn làm ăn, sinh sống ngày một tăng.

Theo bà An, nhà ở không chỉ đơn giản là một nơi trú ngụ mà còn là nơi "an cư", tức là một chỗ ở ổn định, an toàn, bình yên. Tuy nhiên, việc thiếu nhà ở gần khu công nghiệp, công nhân, người lao động phải tìm thuê và mua những căn hộ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh sống; tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân - ảnh 3
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu

Cho rằng việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó, Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp.

Theo ông Hà, vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng.

Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.

Đối với những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ thì các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo ông Hà, việc quản lý nên giao cho phường và quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ.

Ông Hà cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân không mặn mà bởi đầu tư thì lãi vay cao, thu còn không đủ bù chi; lại cạnh tranh với dân doanh (các hộ gia đình xây nhà cho thuê) nữa. Vì vậy, để nhà lưu trú cho công nhân phổ biến, đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm chính sách, làm sao thu hút nguồn lực xã hội hơn nữa.

Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân - ảnh 4
Ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G chia sẻ tại toạ đàm

Khi đề cập đến vấn đề xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G cho rằng, đây là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân hiện nay. Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, không thể lụp xụp mãi được. ông Đặng nhấn mạnh: “Công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo môi trường, nơi ở đảm bảo môi trường sống cho công nhân".

Khó khăn về vốn và các thủ tục trong đầu tư như xác định nhu cầu chính là hai vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp được ông Nguyễn Thanh Đặng nêu ra và đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể.  

Cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư nhà ở cho công nhân - ảnh 5
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành cần xem xét, có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, về quỹ đất, có tỉnh có quỹ đất đủ để thực hiện, có tỉnh không, rất cần Trung ương đứng ra điều tiết, để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở Đề án đặt ra.

Tổng Liên đoàn sẽ thực hiện xây dựng nhà ở chỉ dành để cho thuê. Đây cũng là loại hình nhà ở phù hợp với công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hy vọng trong thời gian tới, khi ba luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua sẽ kích cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ông Lê Văn Nghĩa cho biết, hiện nay dự án nhà ở cho công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư tại Hà Nam đang có 244 căn hộ, giá cho công nhân thuê từ 1 triệu đến 2,2 triệu đồng/phòng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại Bình Định, Bắc Ninh. Tiến tới là xây dựng ở 36 tỉnh, thành phố. 

 

Tin cùng chuyên mục

Baby Three và Chagee bị tẩy chay: Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc

Baby Three và Chagee bị tẩy chay: Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc

(PNTĐ) - Vụ việc thương hiệu trà sữa Chagee và dòng sản phẩm đồ chơi Baby Three dính nghi vấn sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam. Trước phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng, nhiều đơn vị nhập khẩu và phân phối đã tuyên bố ngừng hợp tác với các thương hiệu này.
Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội: Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội: Nhiều kết quả đáng ghi nhận

(PNTĐ) - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là chương trình khó, với 19 chỉ tiêu và 56 nhiệm vụ cụ thể, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Song, với việc triển khai bài bản, nghiêm túc, khoa học, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sau 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.