Cần có quy định xử lý các nhà thầu chào giá thấp bất thường
(PNTĐ) - Chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Bày tỏ sự nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, dự thảo Luật cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế từng gói thầu để lựa chọn hình thức và nhà thầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Về quy định việc chỉ định thầu, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo có quy định cụ thể để chủ đầu tư chọn những nhà thầu có tiềm lực về tài chính, tham gia nhiều dự án chất lượng. Bởi thực tế, tại một số địa phương, có hiện tượng 1 nhà thầu duy nhất trúng thầu hàng chục dự án nhiều năm liền, mặc dù địa phương này tổ chức đấu thầu liên tục. Vì thế, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc chỉ định thầu, về chất lượng của các công trình này.
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, dự thảo lần này sửa đổi theo hướng giao quyền tự quyết mua sắm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Quy định này là cần thiết nhưng chưa thống nhất với các trường hợp chỉ định thầu được quy định tại Điều 23 dự thảo Luật nên có thể dẫn đến khó khăn khi triển khai trong thực tiễn.
Về phương thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ để giảm bớt các phương thức giao thoa không cần thiết; đồng thời quy định tiêu chí định tính, định lượng rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị cần có quy định cụ thể để xử lý các nhà thầu chào giá thấp bất thường, dẫn đến rủi ro cao và không bảo đảm chất lượng công trình vì năng lực kém. Điều này có thể loại bỏ các nhà thầu không phù hợp, thậm chí là lợi dụng việc chỉ định thầu để trục lợi.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bất cập nhất khi thực hiện chỉ định thầu liên quan đến thời gian thực hiện và quy mô của gói thầu. Ví dụ, quy mô mua sắm dưới 500 triệu đồng hoặc các dự án xây lắp có gói thầu dưới 1 tỷ đồng thì được chỉ định thầu. Thời gian đấu thầu thường mất 3 đến 4 tháng, nên với những gói thầu mang tính cấp bách cần thực hiện nhanh thì sẽ không kịp. Cơ quan soạn thảo nên quy định những gói thầu có thời gian dưới 4 tháng thì phải áp dụng chỉ định thầu để kịp tiến độ.

Quan tâm nội dung chỉ định thầu đối với gói thầu cấp bách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, khẩn cấp cần triển khai ngay, yêu cầu phải bảo vệ bí mật Nhà nước và chỉ có duy nhất một nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa trên thị trường, có tính chất đặc thù trong nghiên cứu thử nghiệm nhằm đáp ứng tình hình thực tế triển khai. Quy định trong dự luật sẽ làm phát sinh thêm nhu cầu phải thẩm định việc đáp ứng quy định trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm thẩm định và thẩm định quyết định các quy định trên.