Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”:

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 26/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn và phát biểu, truyền thông điệp về nâng cao năng suất lao động đối với người lao động cũng như doanh nghiệp cả nước.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2024 và là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp

Dự diễn đàn có nhiều lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và lãnh đạo một số địa phương lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo nghề.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương dự diễn đàn 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Diễn đàn có 450 cán bộ, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, trong đó có 95 công nhân lao động tiêu biểu về sức sáng tạo, năng suất cao được lựa chọn từ các ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 2
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu

Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2026 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn với Chính phủ, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” với mong muốn Diễn đàn là dịp để công nhân, viên chức, công chức, cán bộ công đoàn và các doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau cùng trao đổi, bàn thảo, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn. Các đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất lao động chủ yếu từ giác độ người lao động.

Tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn tri thức, giảm thủ tục hành chính

Trao đổi tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 20400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 64,4% so với Thái Lan, 79% so với Indonesia… 

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 3
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Tuy nhiên do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế với năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam là 53.582 USD/lao động. 

Ngược lại gần như 100% lao động của Singapore là làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Với con số này thì năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore chứ không phải 11,4% như ban đầu. Như vậy để tăng năng suất lao động thì cần phải phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh kiến nghị, thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn tri thức, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Để tăng số lượng và quy mô của doanh nghiệp,... phải thực hiện trước khi đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp trước năm 2030. 

Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 4
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong Tháng Công nhân và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Thủ tướng đánh giá cao vì Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn chủ đề đúng, trúng và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các tham luận hay và giúp các đại biểu thu lượm được nhiều kiến thức tốt, cá nhân tôi cũng thu lượm được nhiều điều quý.

Thủ tướng cũng đánh giá cao báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn của các đại biểu, nhà nghiên cứu. Trong đó, nhiều ý kiến phản ánh rõ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để nâng cao năng suất lao động. 

“Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của người lao động; tập trung rà soát các cơ chế, quy định pháp luật liên quan… tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính đổi mới và tinh thần yêu nước của người lao động”, Thủ tướng đề nghị.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 5
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi tại diễn đàn

Theo Thủ tướng, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, là thước đo quan trọng mức độ phát triển của một quốc gia. Xác định tầm quan trọng của năng suất lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng các giải pháp tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Cụ thể, Đại hôi XII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%/năm, Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021-2025.

Để tăng năng suất lao động, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cốt lõi để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững .

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất lao động: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để cụ thể hóa chủ trương theo Nghị quyết của Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược khliên quan đến nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, Ngày 08/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực. Liên tục, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập, từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/1 lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/1 lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. 

Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương GDP, giai đoạn 2021-2022, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của cả thế giới từ 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Năng suất lao động bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thailand, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%. Như vậy, nước ta chỉ đứng sau Singapore.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 6
Quang cảnh diễn đàn

Thủ tướng nhấn mạnh, năng suất lao động góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Đạt được những kết quả trên là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đồng hành phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; sự nỗ lực của người lao động, nhân dân và các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè quốc tế. Ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ vẫn còn tồn tại, hạn chế trong việc nâng cao năng suất quốc gia. Chẳng hạn như: Mặc dù có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra; năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thailand, Malaysia; khoảng cách về năng suất lao động giữa các vùng miền còn khá lớn; nền tảng để tăng năng suất lao động nhanh, bền vững chưa có nhiều đột phá…

“Chúng ta xác định đây là vấn đề sống còn của sự cạnh tranh trong quy luật kinh tế thị trường, quy luật cung cầu. Muốn cạnh được thì chúng ta phải vươn lên, trong đó có tăng năng suất lao động. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, phúc lợi của người lao động”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phải thực hiện “3 đẩy mạnh, “3 tiên phong”, “3 bứt phá”

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đoàn viên, người lao động, bộ, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện “3 đẩy mạnh, “3 tiên phong”, “3 bứt phá”.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 7
Quang cảnh diễn đàn

“3 đẩy mạnh: bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, có chọn lọc; đẩy mạnh thực hiện đột phát chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng tăng năng suất lao động.

“3 tiên phong” bao gồm: Tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành lĩnh vực mới nổi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động.

“3 bứt phá” bao gồm: Bứt phá về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, dạy nghề, kỹ năng nghề; bứt phá về khoa học đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi có giá trị gia tăng, trí tuệ nhân tạo…; bứt phá về môi trường lao động, xanh sạch đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong bất kỳ trường hợp nào.

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 8
Quang cảnh diễn đàn

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng đề nghị: Các đơn vị chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, xem đây là nền tảng tăng năng suất lao động. Việc tăng trưởng nhưng phải đảm bảo nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung nâng cao công tác giáo dục đào tạo, giáo dục và dạy nghề ở các cấp học, bậc học, ngành và đảm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng với cơ cấu hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp và dịch vụ hóa nông nghiệp. Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về quyền lợi, đãi ngộ về tiền lương, các chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là nhà ở.

Với tổ chức Công đoàn, Thủ tướng đề nghị phát huy vai trò của Công đoàn là cầu nối thực hiện vai trò đối thoại về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm tăng năng suất lao động, trong đó có việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. 

Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động  - ảnh 9
Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh với các đại biểu tham dự diễn đàn

Thủ tướng cũng đề nghị, đối với anh chị em công nhân, người lao động, phát huy hơn nữa vai trò của người lao động. Cụ thể, người lao động tham gia trực tiếp sản xuất cả về tinh thần và vật chất; không ngừng trau dồi, tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, có hiệu quả.

Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc với nhận thức sâu sắc, năng suất lao động gắn liền với nhu cầu, chất lượng cuộc sống. Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong phát triển xây dựng đất nước nhanh, bền vững

Tin cùng chuyên mục