Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyên gia Việt Nam học của Nga, PGS-TS Lịch sử tại Viện Các nước Châu Á và Châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, ông Maxim Sunnerberg đã có bình luận về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam.

Chiến thắng mang ý nghĩa toàn cầu

Ông Maxim Sunnerberg cho rằng trận Điện Biên Phủ đã trở thành đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954, là chiến thắng lừng lẫy nhất của quân dân Việt Nam trước thế lực ngoại bang xâm lược.

"Tất nhiên, trước Điện Biên Phủ, Việt Nam từng giành được những chiến thắng oanh liệt như chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông vào thế kỷ 13 v.v. Nhưng chính Điện Biên Phủ - chiến thắng trong cuộc chiến chống lại một cường quốc châu Âu đã mở ra trước toàn thế giới tầm vóc vinh quang của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tài năng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến công bất hủ của tập thể quân dân Việt Nam kiên cường, những người đã gánh vác chiến thắng trên đôi vai mình theo đúng nghĩa trực tiếp của từ ngữ", ông nói.

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa toàn cầu, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

"Sau chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, nhiều dân tộc thuộc địa đã đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước. Những người lính châu Phi trong đội quân lê-dương của Pháp trở về quê hương, mang theo bài học về chiến tranh nhân dân của Việt Nam, từ đó nhiều người trong số họ đã trở thành thủ lĩnh và chiến sĩ của phong trào giải phóng nhân dân ở nước mình”, vị chuyên gia cho hay.

Theo quan điểm của PGS-TS Maxim Sunnerberg, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo tiền đề để Việt Nam khẳng định nền độc lập của mình. Hai tháng rưỡi sau chiến thắng, tối muộn ngày 20 tháng 7 theo giờ Geneva và rạng sáng ngày 21 tháng 7 theo giờ Hà Nội, Hiệp định Geneva đã được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, trên bình diện pháp luật quốc tế xác nhận các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam là tự do độc lập và chủ quyền.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - ảnh 1
Bộ đội Việt Nam cắm cờ trên cứ điểm của Pháp. Trận Điện Biên Phủ, năm 1954

Thế giới đón mốc kỷ niệm đặc biệt của chiến thắng

Tại Việt Nam, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức với quy mô thực sự hoành tráng. Nhiều cuộc triển lãm và hội nghị, xuất bản các công trình khoa học, tiến hành các hoạt động lễ hội và liên hoan phim. “Tất cả những hoạt động này đều hướng tới mục đích phát huy bài học về di sản lịch sử, văn hóa, cách mạng, nuôi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam”, chuyên gia Nga đánh giá.

Theo ý kiến của PGS-TS Maxim Sunnerberg, cũng cần lưu ý đến mối quan tâm trên thế giới với mốc kỷ niệm này. "Ngay cả ở các nước cách xa Việt Nam về mặt địa lý như ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh cũng đang diễn ra các hội nghị kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và vô số bài viết được đăng trên báo chí địa phương. Điều này nói lên một thành công khác từ chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam hiện nay trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh tích cực về Việt Nam trên thế giới", PGS-TS Maxim Sunnerberg nhận định.

Các anh hùng Điện Biên Phủ được tôn vinh ở Nga

Chuyên gia Việt Nam học của Nga cho biết: “Ở nước Nga cả thời Xô-viết lẫn hiện nay đều rất chú trọng đến chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam. Nhiều tác phẩm xuất sắc của Việt Nam, trong đó có những bộ chính sử biên niên, văn học, lịch sử và tư liệu quân sự đã được dịch sang tiếng Nga. Lịch sử quân sự Việt Nam được chú ý nghiên cứu và phản ánh trong những ấn phẩm khoa học, bao trùm tất cả các thời kỳ từ cổ đại đến hiện đại.

Mối quan tâm đến trận Điện Biên Phủ cũng thể hiện trong bộ phim phát hành năm 1955, nhờ công sức làm việc tận tâm và chuyên nghiệp của nhóm quay phim Liên Xô do ông Roman Karmen đứng đầu. Đến Việt Nam vào tháng 5 năm 1954, các nhà làm phim Xô-viết này đã ghi lại nhiều thước phim tài liệu chân thực và sinh động về những sự kiện khác nhau trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phỏng vấn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tướng lĩnh Việt Nam, trò chuyện với các anh hùng của trận Điện Biên Phủ, cũng như cảm tưởng của những tù binh người Pháp, cho thấy cảnh tượng độc đáo khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội vào tháng 10 năm 1954.

Bộ phim này cũng như cuốn nhật ký hành trình của Roman Carmen xuất bản tại Matxcơva năm 1957 đã là sự phát hiện-khám phá đích thực về Việt Nam dành cho hàng triệu khán giả và độc giả ở Nga cũng như nhiều nước khác.

Trong cuốn sách của ông, Roman Carmen đã dẫn lời tướng De Castries, chỉ huy quân đồn trú Điện Biên Phủ của Pháp nói về bộ đội Việt Nam: "Tôi sẽ coi mình là vị tướng hạnh phúc nhất thế giới nếu như có cơ hội chỉ huy những người lính giỏi giang tài trí như vậy".

Vị chuyên gia một lần nữa khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam đã trở thành mốc son chói lọi không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là tiền đề để các quốc gia thuộc địa đứng lên đòi quyền độc lập, tự chủ cho mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các cơ quan báo chí Thủ đô tích cực tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm tháng 7

Các cơ quan báo chí Thủ đô tích cực tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm tháng 7

(PNTĐ) - Các cơ quan báo chí Thủ đô đã kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu sắc các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và thành phố; trọng tâm là tuyên truyền cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là tại 126 đơn vị hành chính cấp xã mới; lan tỏa tinh thần đồng thuận trong xã hội, nêu bật tính chất đột phá, cách mạng và dấu ấn lịch sử của sự kiện này.
Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số ban, bộ, ngành liên quan. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.