Chính phủ ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới

Chia sẻ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP (Nghị định 125) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, thay thế cho Nghị định số 55/2009/NĐ-CP (Nghị định 55) trước đó.

Nghị định mới gồm 4 chương, 23 điều quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới,…

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Theo đó, Nghị định 125 sửa đổi, bổ sung các quy định chung nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. So với Nghị định 55 trước đó, Nghị định mới đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về các đối tượng áp dụng; các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đang được thực hiện và hành vi vi phạm đã kết thúc; điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới và bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, Nghị định đã bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có và nộp trả giấy tờ, văn bản có chứa nội dung sai lệch.

Nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước với nhau, Nghị định 125 quy định đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến chính trị, kinh tế, giáo dục, lao động, văn hóa, thể dục, thể thao..., cụ thể như: rà soát, loại bỏ các hành vi trùng lặp; bổ sung quy định viện dẫn sang các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan bình đẳng giới; Sửa đổi hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi;…

Để tăng tính răn đe và phòng ngừa các hành vi liên quan tới bình đẳng giới, Nghị định 125 đã bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm; điều chỉnh nâng mức phạt tiền, đồng thời bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới như: hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; hành vi ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; hành vi vận động, xúi giục, ép buộc hoặc cản trở người khác tham gia học tập, đến trường, lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính,…

Về việc điều chỉnh các quy định liên quan tới thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Nghị định này cũng bỏ các quy định liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự,... do đã được quy định và thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thêm vào đó, Nghị định bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát biển; thêm các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh trong lĩnh vực bình đẳng giới; quy định cụ thể việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định 125 được ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Đây là hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng và các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nói chung.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

(PNTĐ) - Chiều 18/4, đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.