Chủ nhật, ngày 29/10 về Sơn Tây xem lễ hội Đả ngư tại di tích lịch sử Quốc gia Đền Và

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ông Nguyễn Anh Thương, Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết, thể theo nguyện vọng của nhân dân, lễ hội Đả Ngư được tổ chức như thường lệ từ chiều ngày 28/10 (14 tháng 9 Âm lịch) đến 29/10 (15 tháng 9 Âm lịch) tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền Và.

Chủ nhật, ngày 29/10 về Sơn Tây xem lễ hội Đả ngư tại di tích lịch sử Quốc gia Đền Và  - ảnh 1
Lễ hội Đả ngư (tức là hội đánh cá) diễn ra vào rằm tháng Chín âm lịch

Ông Nguyễn Anh Thương, Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết: Hằng năm, vào rằm tháng Giêng, lễ hội Đền Và, phường Trung Hưng đã thu hút hàng nghìn du khách về tham quan, dự hội. Cũng tại nơi đây, vào rằm tháng Chín âm lịch Lễ hội Đả ngư (tức là hội đánh cá) được diễn ra.

Hội Đả Ngư bắt nguồn từ truyền thuyết Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích.Truyền thuyết kể rằng, một hôm, Thánh Tản Viên giả dạng thành một lão nông đi dạo trên sông Tích, đến đoạn giữa Cầu Vang và Mả Mang thấy một ông già ngồi kéo vó. Lúc trời đứng bóng, ông già mở cơm nắm muối vừng rồi mời Ngài cùng ăn. Cảm kích trước tấm lòng của ông, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con nào. Ngài vui vẻ xin ông kéo thử một mẻ.

Khi cầm vó kéo lên ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn, cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm ông hoa cả mắt. Ông sung sướng vội vàng bắt cá vào giỏ và đếm được 99 con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng chửa, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông để làm phúc.

Đức Thánh Tản còn ở lại dạy ông lão cách chế biến cá thành các món ăn ngay ở nơi kéo cá nên không kịp về nhà lấy muối. Do vậy, các món đều ăn nhạt. Ăn xong Thánh Tản thấy nhạt miệng liền dạy ông lão hái quả cau tươi cùng lá trầu và vỏ cây quạch đưa lên miệng nhai mà không cần dùng vôi. Cụ càng nhai càng cảm thấy người phấn khích, bừng nóng, miệng thơm tho chẳng còn chút tanh của cá nữa.

Từ đó cụ già biết cách làm vó và chế biến món cá rồi dạy nhân dân trong vùng làm theo. Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được phóng sinh đã sinh nở đầy đàn. Nhớ ơn cứu mạng, khi sắp chết, cá trê nọ cùng đàn con đã cố bơi về gần đền Và, ngoảnh đầu bái lạy. Nơi này về sau gọi là xóm cá Trê.

Tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản. Hàng năm, nhân dân trong vùng lại mở hội đánh cá trên trên sông Tích vào ngày rằm tháng chín âm lịch.

Chủ nhật, ngày 29/10 về Sơn Tây xem lễ hội Đả ngư tại di tích lịch sử Quốc gia Đền Và  - ảnh 2
Hàng năm, lễ hội Đả ngư (tức là hội đánh cá) được diễn ra vào rằm tháng Chín âm lịch

Theo ông Nguyễn Anh Thương, Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, lễ hội Đả ngư còn mang tính khuyến ngư và giữ gìn môi trường sinh thái vùng sông Tích.

Vào ngày hội, dân làng các thôn: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Ái Mỗ, Thanh Trì, Mai Trai ra các đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (đoạn giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (đoạn giáp thôn Ái Mỗ) để cùng đánh bắt cá tập thể.

Dưới nước trai tráng nhộn nhịp bơi lội úp xúc, trên bờ dân làng thôi thúc trống chiêng cổ vũ. Ai đánh bắt được cá trắng to thì nộp cho làng, cá nhỏ thì mang về ăn. Ai được con cá nào to tâm niệm năm ấy Đức Thánh Tản sẽ phù trợ làm ăn gặp nhiều may mắn. Đánh bắt đến khi nào chọn được 99 con cá trắng to thì mang số cá đó về làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài.

Chủ nhật, ngày 29/10 về Sơn Tây xem lễ hội Đả ngư tại di tích lịch sử Quốc gia Đền Và  - ảnh 3
Lễ cá dâng Thánh Tản ngày rằm tháng 9

Trong số 99 con cá ấy dân làng chế biến thành những món như: cá luộc, cá nướng, gỏi cá, món nham, tất cả các món đều không được dùng muối. Bày biện xong còn cử hành lễ tế cá rồi cùng nhau thụ lộc và uống nước, ăn trầu (lá trầu, cau, vỏ) nhưng không dùng vôi. Vì thế, dân gian có câu: "Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối".

 

Chủ nhật, ngày 29/10 về Sơn Tây xem lễ hội Đả ngư tại di tích lịch sử Quốc gia Đền Và  - ảnh 4
Di tích lịch sử Quốc gia Đền Và, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây

Các đình thuộc quần thể di tích Đền Và nơi thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh: Đình Vân Gia, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Thanh Trì, Ái Mỗ (phường Trung Hưng)); đình Phù Sa (phường Viên Sơn); đình Phú Nhi (phường Phú Thịnh) thuộc thị xã Sơn Tây. Đền Ngự Dội (thôn Duy Bình - xã Vĩnh Ninh - Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc, rước Lễ về Đền Và.

 

Tin cùng chuyên mục

Công an thành phố Hà Nội triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025

Công an thành phố Hà Nội triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025

(PNTĐ) - Nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025), ngày 3/3/2025, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 266 về đặc xá năm 2025. Xác định đây là một công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc; Công an Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện với tinh thần “đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện quy định, không để sai sót và tiêu cực xảy ra”.
Phụ nữ Thủ đô ra quân tổng vệ sinh môi trường ngày "Cuối tuần xanh" tháng 4

Phụ nữ Thủ đô ra quân tổng vệ sinh môi trường ngày "Cuối tuần xanh" tháng 4

(PNTĐ) - Sáng 27/4, tại Công viên CX01 phường Mộ Lao, Hội LHPN quận Hà Đông tổ chức Lễ phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường ngày "Cuối tuần xanh", hưởng ứng phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trong các cấp Hội LHPN Thủ đô năm 2025. Hội LHPN quận Hà Đông là đơn vị được Hội LHPN thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức điểm hoạt động tổng vệ sinh môi trường ngày “Cuối tuần xanh” tháng 4, năm 2025.