Chủ tịch nước đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội trong phòng chống dịch Covid-19 với phương châm “4 tại chỗ”

Chia sẻ

Sáng 13/8, sau khi kiểm tra ở cơ sở và làm việc với lãnh đạo thành phố tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, tránh nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp, vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm phòng, chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa, cách ly theo mô hình “3 lớp”. Đến nay là ngày thứ 20 Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình và đang triển khai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng. Sau 3 ngày triển khai, kết quả cho thấy, tỷ lệ khoảng 1 vạn dân có 1 ca F0 - đây là tỷ lệ thấp và nằm trong dự báo của thành phố.

Ngoài Sở Chỉ huy cấp thành phố và 3 tổ công tác trực thuộc, Hà Nội đã thành lập 55 Sở Chỉ huy cấp sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện trực ban 24/24 giờ và giao ban trực tuyến hằng ngày để chỉ đạo, xử lý các tình huống cấp bách trong công tác phòng, chống dịch. Thành phố cũng đang duy trì 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô và 3.129 chốt kiểm soát tại các ngõ, xóm, phường, xã để kiểm soát, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội; thành lập 4.559 tổ Covid-19 cộng đồng, với 29.385 nhóm Covid-19 cộng đồng (mỗi nhóm có 3-4 thành viên) tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Trên cơ sở lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, thành phố đã tiêm được 13,9% số người dân thuộc diện đủ điều kiện tiêm. Song song với các biện pháp phòng, chống dịch, Hà Nội đã cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh gói hỗ trợ 12 nhóm người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, đồng thời có chính sách hỗ trợ riêng cho các nhóm đối tượng khác với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thủ đô anh hùng. Đồng chí nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đặc biệt là trung tâm giao thương, đầu mối giao thông, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn rất cao. Do đó, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị là phải ưu tiên, nhanh chóng đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, vững chắc từ đó kết nối, chi viện cho các địa phương khác.

“Phải nhận thức rõ như vậy để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quyết sách các vấn đề, trước mắt là trong phòng, chống dịch Covid-19”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thực hiện rất tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, tránh nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Trong tổ chức thực hiện, thành phố cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thái độ dứt khoát với nhiều biện pháp rất cụ thể, sáng tạo, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở. “Quan trọng là các quyết sách của thành phố đã thấm đến người dân, được cả hệ thống chính trị và nhân dân trên dưới một lòng hưởng ứng, tham gia thực hiện”, đồng chí Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của thành phố trong thực hiện công tác chuẩn bị với phương châm “4 tại chỗ” tương ứng với các phương án phòng, chống dịch ở mức cao như, bảo đảm đủ chỗ điều trị cho 30.000 ca F0, đủ chỗ cách ly cho 65.000 ca F1. Đây chính là sự cụ thể hóa tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng hoàn toàn đồng ý với giải pháp xét nghiệm diện rộng mà thành phố đang triển khai.

Về phương hướng trong thời gian tới, Chủ tịch nước lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị thành phố Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả. Trong đó, đồng chí yêu cầu không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác và phải chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và lực lượng để sẵn sàng chiếu đấu lâu dài với đại dịch Covid-19; trước mắt phải tập trung thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin và tích cực áp dụng công nghệ. Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, năng lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

 Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Trung ương; cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô sẽ cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.