Chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án Vành đai 4
(PNTĐ) -Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tập trung phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thành thẩm định, phê duyệt dự án thành phần tổ chức đấu thầu, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9/2023. Đây là vấn đề lãnh đạo các tỉnh đã hứa với Thủ tướng Chính phủ; thành phố Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các đồng chí để thực hiện.
Sáng 17/8, tại trụ sở HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội họp giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tình hình thực hiện dự án.
Phát biểu mở đầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung nêu các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp giải quyết. Tinh thần chung là thẳng thắn, thực chất, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau bảo đảm tiến độ chung của dự án.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng; thời gian thì không chờ; chậm một ngày là đi rất xa. Nên tất cả chúng ta phải cố gắng phấn đấu”, Trưởng ban Chỉ đạo Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án do Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường trình bày, đến nay, 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã thu hồi được 1.194,71/1.382,38 ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%), trong đó: Hà Nội đã thu hồi 694,2/793,8ha (đạt 87,45%), di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (62,37%).
Tỉnh Hưng Yên đã thu hồi 192,63/230,19ha (đạt 83,68%), di chuyển 699/4.207 ngôi mộ (đạt 16,6%).
Tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 307,88/358,39ha (đạt 85,91%), di chuyển 39/2.688 ngôi mộ (đạt 1,5%).
Về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đã bám sát tiến độ trong kế hoạch chung. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư. Việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được thành phố Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, nhưng tại Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn khoảng 3-4 tháng.
Về công tác thẩm định Dự án thành phần 3 (dự án PPP), UBND thành phố đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 263/TTr-UBND ngày 20-6-2023. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong tháng 9/2023.
Đáng chú ý, nêu 7 nhóm khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Chí Cường cho biết, các địa phương chủ yếu mới hoàn thành giải phóng mặt bằng phạm vi đất nông nghiệp. Phần còn lại rất khó khăn vì chủ yếu là đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức, công trình hạ tầng và 9.929 ngôi mộ... Việc xây dựng các khu tái định cư cần phải đẩy nhanh tiến độ; nếu không đáp ứng yêu cầu tái định cư trong năm nay thì phải có phương án tạm cư. Ngoài ra, công tác thẩm định, việc chuẩn bị các mỏ vật liệu cũng cần được quan tâm sát sao, đẩy nhanh tiến độ.
Một số kiến nghị đối với các bộ, ngành:
Về việc hướng dẫn của các bộ, ngành thực hiện tiểu dự án trong dự án PPP đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 25/5/2023 của Văn phòng Chính phủ: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo hướng dẫn và có Văn bản số 6164/BKHĐT-QLĐT ngày 2/8/2023 gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xin ý kiến về các nội dung liên quan, đề nghị các bộ sớm có văn bản góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm xem xét chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán Dự án thành phần 2.2 và Dự án thành phần 2.3 để sớm ban hành kết quả thẩm định làm căn cứ để phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, sớm lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công đảm bảo tiến độ theo quy định.
Kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục: Di dời đường điện cao thế 110kV, 220kV và 500kV thuộc Dự án thành phần 1.2 và Dự án thành phần 1.3.
Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tạo điều kiện cấp phép thi công phạm vi giao cắt tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2.
Phát biểu thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh đang quyết tâm hoàn thành các phần việc cần thiết để khởi công Dự án thành phần 2.2 trong tháng 9-2023. Hiện nay, một trong những khó khăn rất lớn của tỉnh là phải di dời cơ sở của 17 doanh nghiệp, dự án. Đây là phần việc rất phức tạp liên quan đến định giá tài sản. Tới đây, tỉnh sẽ thuê tư vấn để định giá tài sản trên đất làm căn cứ đền bù, hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh còn phải bố trí nơi khác để “tái định cư” cho doanh nghiệp.
Do đó, Hưng Yên đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh áp dụng Điều 62 của Luật Đất đai thay vì để doanh nghiệp tự thảo thuận với các hộ dân, không bảo đảm tiến độ. Ngoài ra, Hưng Yên không có mỏ vật liệu nên đề nghị Ban Chỉ đạo tạo điều kiện cho tỉnh tiếp cận 2 mỏ cát để sớm thỏa thuận về nguồn cung đáp ứng tiến độ dự án.
“Mong các bộ, ngành đồng hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Toàn hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở của Hưng Yên quyết tâm, dành toàn thời gian và nguồn lực để thực hiện dự án đường Vành đai 4”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nói.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, khó khăn, vướng mắc hiện nay của tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường (tăng 2.874 tỷ đồng so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư). Do đó, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án cho phù hợp.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đã được báo cáo tại Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng. Thông báo kết luận số 139 ngày 25-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, giá trị tổng mức đầu tư thực tế được phép cao hơn giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư.
Đáng chú ý, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, giá vật liệu thực tế đang cao hơn đáng kể so với giá đã được phê duyệt (giá phê duyệt là 170.000 đồng/m3, giá thực tế khoảng 250.000 đồng/m3), đây là vấn đề cần quan tâm tháo gỡ cho nhà thầu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tập trung phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thành thẩm định, phê duyệt dự án thành phần tổ chức đấu thầu, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9/2023.
“Đây là vấn đề lãnh đạo các tỉnh đã hứa với Thủ tướng Chính phủ; thành phố Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các đồng chí để thực hiện”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đối với tái định cư cho các hộ có đất ở, nếu không kịp bố trí tái định cư cho người dân trước Tết Nguyên đán 2024 thì như cách Hà Nội đang thực hiện là tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân. Về di dời phần mộ, các địa phương phải cùng cố gắng tuyên truyền, vận động để tập trung hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024; đồng thời quyết tâm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2023.
Để bảo đảm vật liệu phục vụ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý phải tính toán tổng thể và cụ thể cho từng phần việc bảo đảm theo tiến độ. Nguồn cung vật liệu không đáng lo, quan trọng là phải tổ chức điều phối, hoàn tất thủ tục sao cho hợp lý, kịp tiến độ cho dự án.
Về dự án PPP, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì báo cáo, làm việc với Hội đồng thẩm định Nhà nước để tháo gỡ các vấn đề liên quan; bao gồm cả việc tách 3 cầu trong phạm vi dự án ra làm dự án "con" để kiến nghị được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
Trưởng ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các tỉnh, thành phố chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sai sót trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ví dụ như mỏ vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 4 thì không được phép khai thác để bán ra bên ngoài hay phục vụ dự án khác.
“Thời gian là vàng là bạc. Hiện nay, kinh tế khó khăn như thế, dự án Vành đai 4 chính là đòn bẩy rất quan trọng. Ngay cả các tỉnh không có dự án đi qua cũng đang rất chờ đợi, sẵn sàng đầu tư đường nối để tận dụng cơ hội mà dự án mang lại. Do đó, chúng ta càng phải cố gắng tập trung cao độ, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ dự án”.