PGS.TS Trần Quang Diệu:
Chuyển đổi số báo chí: Nhà báo cần làm chủ công nghệ
(PNTĐ) - Chuyển đổi số đang được các cơ quan báo chí đặc biệt chú trọng nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của độc giả tốt hơn, nhưng không phải toà soạn, phóng viên nào cũng nhanh chóng bắt kịp với xu thế mới. Để làm rõ hơn về chuyển đổi số trong báo chí, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Quang Diệu - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Chuyển đổi số là con đường phải đi trong các cơ quan báo chí ở Việt Nam theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Theo ông, liệu có một khái niệm cụ thể, chung nhất nào cho cụm từ “chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí ở Việt Nam” để từ đó làm kim chỉ nam cho các cơ quan báo chí thực hiện không?
Trước đây, mỗi tòa soạn chỉ tổ chức sản xuất một loại hình báo chí - báo in, phát thanh, truyền hình. Đến khi có internet và xuất hiện báo điện tử, các báo bắt đầu tổ chức mô hình tòa soạn hội tụ để sản xuất đồng thời nhiều loại hình khác nhau, vừa làm báo in vừa làm báo điện tử, vừa sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình, vừa xuất bản các chương trình này lên trang điện tử và mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong thời đại số, mô hình tòa soạn hội tụ chuyển dịch dần sang mô hình toà soạn số trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ các hoạt động của tòa soạn. Tòa soạn số sẽ đáp ứng yêu cầu mới của công chúng trên cơ sở tích hợp và thống nhất các hoạt động của tòa soạn, từ hoạt động quản trị nguồn lực đến hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông đến việc triển khai đa dạng hóa các loại hình báo chí hướng tới công chúng là trung tâm. Mô hình tòa soạn số trong hệ sinh thái báo chí truyền thông có thể được thể hiện như mô hình trên đây.
Theo mô hình này, phóng viên, biên tập viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên tại hiện trường sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Lãnh đạo tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát, định hướng thông tin trước khi xuất bản đến các phương tiện truyền thông tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn như báo in, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, truyền thông xã hội….
Có ý kiến cho rằng chuyển đổi số trong cơ quan báo chí không phải là một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo nói chung và của người đứng đầu cơ quan báo chí nói riêng. Ông đánh giá sao về quan điểm này?
Công nghệ số đã tác động và chi phối làm thay đổi đáng kể tư duy và phương thức làm báo truyền thống, chuyển nhanh sang ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để sáng tạo các sản phẩm báo chí, truyền thông chất lượng cao, tích hợp đa phương tiện, đa nền tảng và đa loại hình. Công nghệ số đã tạo nên một lớp thông tin mà theo đó, cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông hay nhà báo không còn là chủ thể quyết định những gì sẽ cung cấp cho công chúng nữa, mà nhà báo phải trở thành chủ thể giúp công chúng kiểm chứng các thông tin đúng, tin cậy, đồng thời là chủ thể tổ chức thông tin này để công chúng được tiếp cận một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phù hợp với môi trường báo chí, truyền thông trong thời đại số, đội ngũ nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Trong bối cảnh đó, nhà báo cần làm chủ công nghệ, cần đa năng hơn và nhiều kỹ năng hơn chứ không đơn thuần chỉ là người viết, người chụp ảnh, người quay phim hay người thiết kế... Nhà báo cần thực sự chuyên nghiệp, có trình độ, có năng lực tốt và chuyên môn và cần có nhận thức và năng lực về công nghệ thông tin để phục vụ tốt công việc của mình.
Đối với những tờ báo tìm hướng đi “kinh doanh dữ liệu” thì phải làm thế nào, thưa ông?
Công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội cho nghề báo chí, truyền thông như: Hỗ trợ trong các công đoạn khai thác thông tin để xây dựng các ý tưởng, các chủ đề và sáng tạo tác phẩm. Nếu như trước đây, nhà báo phải sử dụng các cách thức truyền thống để khai thác thông tin như sử dụng các tư liệu cũ, vào thư viện để tìm hiểu, phải đến tận nơi quan sát, theo dõi thì giờ đây, nhà báo có thể tìm kiếm, thống kê, tổng hợp thông tin một cách dễ dàng, thuận tiện nhờ internet. Chưa kể, nhà báo, phóng viên tại tòa soạn cũng có thể kết nối tới thông tin trên toàn thế giới một cách nhanh chóng và theo thời gian thực. Tuy nhiên, nhà báo cũng cần phải sáng suốt trong việc lựa chọn thông tin để đảm bảo tính trung thực và kiểm chứng thông tin.
Quan trọng là lãnh đạo cơ quan báo chí phải là người dẫn đầu, có vai trò quan trọng và quyết định trong triển khai báo chí dữ liệu tại toà soạn bởi các lí do sản phẩm báo chí sẽ chỉ được coi là báo chí dữ liệu nếu dữ liệu có vai trò dẫn dắt, làm sáng tỏ ra một vấn đề nào đó. Dù có là báo chí dữ liệu vẫn phải đáp ứng yêu cầu cơ bản là tính chất một bài báo, đó là phải có nội dung rõ ràng và sự việc, vấn đề bất cập gì được đề cập trong bài báo đó. Bản thân công chúng cũng đòi hỏi tính phân tích, đánh giá của nhà báo trước dữ liệu chứ không chỉ đơn giản là trình bày dữ liệu một cách khô khan và trống rỗng.
Dữ liệu trong báo chí dữ liệu không phải tự bản thân nó là những con số biết nói mà đều phải do nhà báo lựa chọn, sắp xếp, phân tích, đánh giá mới thành câu chuyện, vấn đề. Vì quá trình phân tích, đánh giá dữ liệu chính là quan điểm, nhận định của nhà báo về một vấn đề nào đó. Từ sự mâu thuẫn, chênh lệch và xâu chuỗi các dữ liệu, nhà báo tự tìm cho mình được câu chuyện, xây dựng nội dung chính của bài báo. Tính chất một bài báo cơ bản vẫn phải được đáp ứng là thông điệp, có nội dung nhất định, không thể nào chỉ là một bài chỉ toàn là số liệu mà không khái quát được thành vấn đề.
Ông có đề xuất gì để báo chí Việt Nam có thể đi theo hướng kinh doanh dữ liệu như nhiều kênh truyền thông lớn trên thế giới đang thực hiện?
Dựa trên AI, chúng ta sẽ tạo ra rất nhiều nội dung, dần từng bước ứng dụng AI để xác thực thông tin. Như vậy, dữ liệu được chọn lọc dựa trên dữ liệu mở, ngoài dữ liệu mở thì cần những dữ liệu liên kết từ các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí có "kho vàng" lưu trữ, khi các dữ liệu liên kết, chia sẻ, có thể chọn lọc tạo nên tuyến bài mới tốt và hiệu quả. Vì vậy, chúng ta nên xây dựng hệ sinh thái báo chí, tạo nên kho dữ liệu dùng chung, bớt đi sự lo ngại với tác động chưa đủ tốt của AI. Ngoài ra, các cơ quan quản lý như Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có hướng dẫn, xây dựng nền tảng dùng chung của cơ quan báo chí để từ đó vừa phát huy hết khả năng và khi cần có thể chia sẻ cho nhau.
Hội Nhà báo với vai trò dẫn dắt cần xây dựng các hướng dẫn, định hướng để tạo nên sân chơi chung, một nền tảng dữ liệu dùng chung. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo truyền thông cũng phải có sự thay đổi các chương trình đào tạo với yêu cầu mới, dựa trên các nền tảng công nghệ. Song song với đó, các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng các kế hoạch để chuyển đổi mô hình hoạt động trên cơ sở xây dựng tòa soạn số, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm báo chí số trên các nền tảng khác nhau để tăng tương tác với độc giả, hướng tới hoạt động và phát triển bền vững trên môi trường số.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần thực hiện đánh giá, xử lý dữ liệu, dự báo, giám sát chất lượng thông tin để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành số của cơ quan mình, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyển đổi số một cách thống nhất, an toàn và bền vững. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí truyền thông cần kết hợp giữa thực tiễn và hoạt động giáo dục đào tạo…
Trân trọng cảm ơn ông!