Chuyện nghề của nhà báo nữ

Bài và ảnh: T. Hương - H. Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghề báo không hề nhẹ nhàng, với phụ nữ càng vất vả hơn. Nhưng vượt lên trên thử thách và khó khăn của công việc, các nữ nhà báo vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê với nghề; ngày đêm sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng để phục vụ độc giả, lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống.

1. Nhà báo Đào Thị Quỳnh Lan (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam):
Nếu chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề báo

Chuyện nghề của nhà báo nữ - ảnh 1

Với nhiều người, nghề nghiệp, công việc đôi khi chỉ là một công cụ để mưu sinh. Nhưng với tôi, nghề báo giống như một mối "lương duyên". Một trong những kỷ niệm rất khó quên với tôi là đợt tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Được sự đồng ý của Ban biên tập và sự hỗ trợ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, tôi và đồng nghiệp đã xung phong nhận nhiệm vụ lên các điểm chốt phòng, chống dịch của Bộ đội Biên phòng đóng ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và tại các đường mòn lối mở tại khu vực biên giới. Dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, chúng tôi phải mang trên mình những bộ quần áo chống dịch kín mít. Ấy là chưa kể, điều kiện sinh hoạt ở đây rất thiếu thốn, khó khăn.

Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy vui vì được góp chút sức mọn, chia sẻ phần nào sự vất vả, hy sinh của cán bộ chiến sĩ biên phòng và các lực lượng tham gia chống địch nơi biên cương tới người dân. Hạnh phúc hơn khi nghe các chiến sĩ gửi lời cảm ơn, vì những bài báo chúng tôi viết, đăng tải như liều thuốc tinh thần vô giá, cổ vũ, tiếp thêm động lực để họ thêm chắc tay súng, cùng nhân dân cả nước chống dịch hiệu quả.

Nói về những điều từng trải qua trên chặng đường làm báo của mình, có lẽ đôi dòng không thể viết hết. Đó còn là những lần chân trần bỏng rát leo lên các vùng rừng bị cháy rụi tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; là những chuyến đi bộ đến tận điểm sạt lở trên núi ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái ghi hình, làm phóng sự. Vừa đi, cả đoàn vừa sợ lũ đổ về bất ngờ... thì chỉ có chết mất xác. Đi nhiều đồng nghĩa với việc nhà báo nữ thường xuyên phải gác lại cả việc gia đình, chồng, con… Không ít lần chồng đi làm xa, tôi phải gửi con chưa được 1 tuổi nhờ ông bà trông để đi công tác hàng tuần trời. Nhưng rất may mắn với tôi, ấy là luôn được chồng, được gia đình cảm thông, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất... để bản thân có thể theo đuổi đam mê nghề báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghề báo vất vả, nhưng nếu cho chọn lại, chắc chắn tôi vẫn sẽ chọn trở thành một "nhà báo".

2. Nhà báo Hoàng Lê (Báo điện tử VOV):
Làm báo phải tính toán từng cú click chuột

Chuyện nghề của nhà báo nữ - ảnh 2

Trong quá trình làm báo của mình, tôi và đồng nghiệp may mắn có nhiều tác phẩm báo chí được đông đảo độc giả quan tâm, ghi nhận. Một trong số đó phải kể đến tác phẩm "Không đơn độc", đăng trên VOV.VN trong năm 2023. Nội dung của bài viết là câu chuyện bạo lực học đường. Các nữ sinh mới chỉ 12-13 tuổi nhưng đã có hành động đánh, lột quần áo bạn, quay video tung lên mạng xã hội. Vụ việc gây chấn động và buộc cơ quan chức năng, nhà trường vào cuộc xử lý. Bài viết giống như một hồi chuông cảnh báo, để người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh, gia đình, thầy cô và chính các em học sinh cần có cách hành xử và biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Điều đặc biệt của tác phẩm ở chỗ được trình bày giống như một "quyển truyện tranh ngắn", với những hình ảnh động, minh hoạ bằng audio, video. Đây là lần đầu tiên tôi cùng đồng nghiệp thử sức ở mảng báo chí số, vốn đòi hỏi đầu tư rất lớn cho phần trình bày, hướng tới một bài báo "tương tác" trực tiếp với độc giả. Các hiệu ứng tương tác cùng độc giả qua từng cú click chuột, những lần lăn chuột cũng được tính toán rất kỹ, sao cho bài viết "chạy" được khi xem trên máy tính và xem trên điện thoại. Chúng tôi phải thuê hoạ sĩ thiết kế và lập trình viên để làm code cho những phần hiệu ứng của bài viết. Với những đầu tư về kỹ thuật và thiết kế như vậy cho 1 bài báo số không phải toà soạn nào cũng đáp ứng được. 

Phóng viên chúng tôi cũng trải qua rất nhiều khó khăn, áp lực, nhưng khi thấy sản phẩm của mình hoàn thành trọn vẹn, cảm giác…thực sự "thăng hoa", vỡ òa trong hạnh phúc. "Không đơn độc" khi đăng trên VOV.VN cũng nhận được nhiều quan tâm, phản hồi không chỉ của độc giả, mà còn của các bạn phóng viên đồng nghiệp. Nhóm tác giả chúng tôi đã rất vui khi tác phẩm đoạt giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giải thưởng Sao Tháng 9 của Đài truyền hình Việt Nam.

3. Nhà báo Nguyễn Hồng (Báo Thế giới và Việt Nam):
Vinh dự được tác nghiệp ở phòng họp lớn nhất hành tinh

Chuyện nghề của nhà báo nữ - ảnh 3

Năm 2023, khi theo tháp tùng đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 và các hoạt động song phương (từ ngày 17-23/9), lần thứ 2 tôi được đặt chân vào trụ sở tòa nhà Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Theo lịch ban đầu, khoảng từ 14h30 - 15h chiều ngày 22/9, Thủ tướng sẽ phát biểu tại phiên thảo luận; trước đó là một cuộc tiếp xúc song phương. Đội phóng viên chuyên trách sẽ được dẫn đến vị trí tác nghiệp trước, để đảm bảo việc ghi hình khi Thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, chương trình thay đổi ngay phút chót, Thủ tướng sẽ phát biểu vào khoảng 14h, cuộc tiếp xúc song phương phải rút ngắn. Cái khó là dù hai phòng họp không xa nhau, nhưng vị trí tác nghiệp dành cho phóng viên của 2 cuộc không giống nhau, phải di chuyển khá xa mới có thể tới nơi. Lúc này, tôi có hai lựa chọn: Một sẽ chỉ làm đến cuộc tiếp xúc song phương; hai là sẽ chạy thật nhanh để vào vị trí tác nghiệp trong phòng diễn ra phiên thảo luận. Với “máu nghề” của cô phóng viên ảnh không muốn bỏ lỡ một khoảnh khắc nào, tôi lựa chọn “thử sức” chạy đua với thời gian. 

Vì chỉ có 5 phút di chuyển giữa 2 nơi, ngay khi hoàn thành nhiệm vụ tại cuộc tiếp xúc song phương, tôi cắm đầu lao nhanh hết sức, vừa chạy vừa thở. Đến bàn đăng ký, thấy tôi vừa thở vừa nói “Việt Nam” và giơ chiếc thẻ báo chí ra, cán bộ phụ trách không nói gì, vẫy tôi: “Let’s go, fast, fast, fast”. Lối vào khu vực tác nghiệp như mê cung, qua nhiều hệ thống cửa và cần quét thẻ. Tình nguyện viên dẫn đi nhầm lối khiến tôi càng thêm sốt ruột. May mắn tôi vẫn kịp đến được đúng vị trí tác nghiệp dành cho phóng viên. 

Tôi chỉ có vỏn vẹn 15 phút tác nghiệp, nhưng đã phải chuẩn bị cả tháng trời từ thủ tục, máy móc, bài vở, cho đến tinh thần tác nghiệp ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chiến thắng bản thân tại lần “thử sức” này khiến tôi hiểu rằng, nếu chúng ta luôn chân thành và đam mê với công việc của mình, mọi điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến. 
           
4. Nhà báo Thảo Hương (Báo Phụ nữ Thủ đô)
Mỗi hành trình là một trải nghiệm vô giá

Chuyện nghề của nhà báo nữ - ảnh 4

Mỗi năm khi đến dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi lại thấy chộn rộn, tự hào và biết ơn bởi những giá trị, trải nghiệm vô giá mà nghề báo đã đem lại cho mình. Làm báo, tôi có cơ hội đi nhiều nơi, nghe và gặp nhiều câu chuyện, nhân vật truyền cảm hứng, người tốt, việc tốt; biết tới những cảnh đời, phận người còn nhiều khó khăn, éo le trong đời sống xã hội. Mỗi chuyến đi với tôi đều là một lần thử thách bởi không hề dễ dàng.

Như chuyến công tác tại huyện Xín Mần, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) vào tháng 3/2024; tại Điện Biên Phủ vào tháng 4/2024… tôi cùng đồng nghiệp được "trải nghiệm" không biết bao nhiêu cung đường đèo nhỏ, hẹp với liên tiếp khúc cua tay áo để tới những nơi xa xôi, khó khăn nhất. Nhiều lần vừa đi, chúng tôi vừa nín thở sợ hãi vì đường hẹp tới độ chỉ cần bánh xe chệch một chút là cả xe có thể… lao xuống vực. Sự căng thẳng rõ đến mức anh lái xe cũng phải hoang mang thốt lên: "Các anh chị nói gì đi, sao tất cả im lặng hết vậy?".

Hay như chuyến công tác vào tháng 1/2024 khi tôi và nhiều phóng viên, nhà báo theo tàu của Hải quân tới thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại vùng 5 Hải quân. Gần 1 tuần lênh đênh trên biển, lại đúng vào thời điểm mùa gió chướng nên ai nấy đều say sóng. Có chị nhà báo ở Bắc Kạn, khi tàu cập cảng còn phải lên xe cấp cứu đến bệnh viện vì say sóng. Ấy thế nhưng trong suốt hành trình, dù mệt đến mấy mọi người đều động viên nhau cố gắng, phỏng vấn, tác nghiệp thật nhiều để có được sản phẩm báo chí chất lượng, tuyên truyền hiệu quả công tác bảo vệ biên giới, hải đảo của các chiến sĩ. May mắn cho tôi, sau chuyến công tác này, bài viết chia sẻ về câu chuyện "bám đảo" của một bác sĩ quân y người Hà Nội trên đảo Hòn Khoai đã được ghi nhận, đạt giải tại cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt do UBND thành phố Hà Nội phát động.

Nghề báo thực sự không chỉ đem đến cho tôi trải nghiệm vô giá, mà còn giúp tôi có cơ hội vun bồi thêm giá trị nhân văn cho bản thân, cho xã hội… 

5. Nhà báo, MC Anh Thư (Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội): 
Nhà báo còn là “chuyên gia gỡ rối tơ lòng”

Chuyện nghề của nhà báo nữ - ảnh 5

Nhiều năm gắn bó với các chương trình tâm sinh lý hôn nhân gia đình, như “Lời thì thầm” của JoyFM (Kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe tần số 98,9MHZ), “Chuyện đêm muộn” của VTV3, MC Anh Thư (Ban Văn nghệ - Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội) cho biết, chị may mắn khi làm công việc có tính cầu nối dẫn dắt các vấn đề liên quan đến tâm lý, hôn nhân gia đình… Theo MC Anh Thư, đây là công việc rất thú vị, bởi chị vừa làm vừa học được, thấu được câu chuyện của mọi người để rút kinh nghiệm cho mình. Những lát cắt trong đời sống từ các câu chuyện gia đình được tư vấn chính là những chất liệu sống giúp chị có thể bình tĩnh, khéo léo hơn trong cuộc sống hiện tại. 

Nhà báo, MC Anh Thư không tự nhận mình là chuyên gia tâm lý. “Tôi vừa lên kịch bản, dẫn chương trình, kết nối chuyên gia tư vấn giải đáp khúc mắc của độc giả. Nhưng, nhiều khi, chính mình phải làm “chuyên gia” ở những câu chuyện phía sau ống kính”. Nhiều khán thính giả nghe chương trình nhiều năm đã tìm được trang cá nhân trên FB của chị và nhắn tin nhờ tư vấn rắc rối trong hôn nhân. Đơn cử như việc làm sao để giữ được sự trẻ trung, làm sao để mặc đẹp; chồng ngoại tình thì phải làm sao; có nên đi tìm một đứa con khi gần 40 tuổi chưa kết hôn… “Tôi luôn tôn trọng khán thính giả, nên với mỗi câu hỏi, tôi đều cố gắng sắp xếp để trả lời, hoặc kết nối chuyên gia trong chương trình phát sóng tiếp theo” - nhà báo Anh Thư cho biết.

Có một độc giả ở Hải Phòng kể, chị là một phụ nữ thành đạt có trong tay mọi thứ: Có tiền, có nhan sắc, có danh vọng, có gia đình nhìn có vẻ rất hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ có chị mới hiểu, cuộc sống hôn nhân của chị luôn đứng trước “đầu sóng ngọn gió”. Vì bận rộn kinh doanh, vợ chồng chị nhiều năm nay không thể nói chuyện được với nhau… Sau khi được chị tư vấn, người phụ nữ inbox lại với chị rằng, vợ chồng chị ấy đã có thể trò chuyện với nhau nhiều hơn, hạnh phúc hôn nhân đã bền lại. 

Theo nhà báo Anh Thư, trong thời đại công nghệ số, nguy cơ tác động đến sự bền vững của hôn nhân ngày càng nhiều. Vợ chồng hãy xây đắp nền tảng, niềm tin và sự thấu hiểu nhau. Đứng trước những nguy cơ đổ vỡ, cả hai cần có thiện chí ngồi lại và cùng nhau giải quyết, bởi đôi khi hôn nhân tan vỡ chỉ vì một người quá quyết liệt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

100 năm đồng hành cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc

100 năm đồng hành cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc

(PNTĐ) - “Năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đầu tiên và trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng "Búa liềm vàng" lần thứ IX - năm 2024.
Nhìn lại thành công của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025

Nhìn lại thành công của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025

(PNTĐ) - Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025 chính thức bế mạc với nhiều thành công. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,  các phiên thảo luận chuyên tại Diễn đàn đã được tổ chức bài bản, khoa học, với chủ đề mang tính thời sự rất cao, nội dung phong phú.
Điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều 20/6/2025, sau 2 ngày diễn ra với nhiều phiên thảo luận, diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025 chính thức bế mạc với nhiều thành công. Diễn đàn đã trở thành điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của giới báo chí cũng như công chúng.
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước tại buổi gặp mặt các nhà báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước tại buổi gặp mặt các nhà báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), sáng 20/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi gặp mặt tuyên dương người làm báo tiêu biểu toàn quốc. Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường.