Chuyện về người tù cộng sản kiên trung với 8 chiếc răng lưu lạc

Chia sẻ

Với suy nghĩ, “không cho ký ức kia ngủ yên”, ông Lâm Văn Bảng (Phú Xuyên, TP Hà Nội)- một chiến sỹ cộng sản kiên trung, một người tù sẵn sàng vị quốc vong thân trong địa ngục trần gian nhà tù đế quốc đã mở “Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày” giữ lại các giá trị của quá khứ bi hùng.

Ông Lâm Văn Bảng người tù đã dày công sưu tập bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đàyÔng Lâm Văn Bảng người tù đã dày công sưu tập bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Ảnh: ĐDH)

Tái hiện hình ảnh người tù cộng sản bị cai ngục tra tấnTái hiện hình ảnh người tù cộng sản bị cai ngục tra tấn (Ảnh: ĐDH)

Người mở “bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày”

Ông Vũ Minh Tằng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), cùng bị địch tra tấn trong nhà tù Phú Quốc (đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) với ông Bảng, kể: Tôi chiến đấu, bị thương, chúng bịt mắt, xâu tay tôi và nhiều người nữa vào nhau bằng dây sắt, đưa lên trực thăng, thả ra “hoang đảo” với dây thép gai, chó dữ và các lần giết người diệt khẩu. Có khi, chúng ném hàng chục người xuống biển cùng lúc, có khi, cơm trộn máu và xú uế bắt ăn, có khi đốt dương vật hoặc đập gẫy 9 cái răng của người tù rồi bắt họ uống máu và nuốt hết chỗ răng đó. Có lần chúng nã móc-chi-e (cối 81) làm 80 mạng người lìa cõi sống, vứt cả ra biển. Ông Bảng chứng kiến tất cả những đau thương tột cùng ấy của ông Tằng và hàng chục nghìn đồng đội khác. Hơn 4.000 người đã nằm lại trên đảo “địa ngục trần gian” và nhiều nghìn người khác trở về với ký ức kinh hoàng.

Nhưng, có lẽ chỉ mình ông Lâm Văn Bảng là nghĩ đến việc: Không cho ký ức kia ngủ yên. Ông mở “Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày” ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã hàng chục năm qua. Ông đi khắp cả nước, liên lạc, vật lộn để có được hàng nghìn kỷ vật mà chủ nhân của nó còn quý chúng hơn cả mạng sống của chính họ. Bảo tàng của ông Bảng và đồng đội chiếm giữ nhiều kỷ lục thế giới, có lá cờ Đảng vẽ bằng máu, có 9 cái răng ông Vũ Minh Tằng bị viên cai ngục tàn ác bậc nhất trong lịch sử Việt Nam Trần Văn Nhu (Bảy Nhu) dùng “Vồ biệt ly” và “Gậy sầu đời” đập gẫy và bắt nuốt chửng vào bụng… - đều được ông Bảng đi “vận động hành lang” đem bằng được về bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày.

“Tôi phải bán nhiều tài sản, giả chữ ký vợ để được bán nhà mà không thông qua bà ấy. Làm tất cả để có được một cái bảo tàng như thế này”- ông Bảng kể.

Cơ duyên từ quả bom khổng lồ

Từ nhà tù Phú Quốc trở về, ông Bảng may mắn được bổ nhiệm làm lãnh đạo một Hạt quản lý Đường bộ khu vực Cầu Giẽ. Một lần đi đào đường, các ông đã vấp phải một quả bom khổng lồ. Vốn là dân dày dạn chinh chiến, biết nguyên tắc nổ của bom, ông Bảng chỉ đạo nhân viên khiêng “biểu tượng chết chóc” ấy về trưng bày tại văn phòng Hạt. Ông Giám đốc thâm trầm ngồi trên tầng cao nhìn xuống, bần thần thấy ký ức sống dậy, cả người đã khuất và những đồng đội bị thương nặng đang lay lắt khắp dải đất hình chữ “S” cùng đồng hiện về.

Sau nhiều đêm mất ngủ, các câu hỏi “tại sao, tại sao” khiến ông cứ đay đả mãi. Cả quá khứ oai hùng kia, sao nó lại ngủ yên mà không thức dậy truyền cảm hứng cho các giá trị sống đẹp khác của cộng đồng? Một bảo tàng về mọi thứ liên quan đến các địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc, đến những người tù cộng sản trung kiên mà chỉ một hố khai quật ở đó, người ta đã quy tập được đến 500 di cốt người tù cộng sản yêu nước (hố khai quật hài cốt lớn nhất Việt Nam!)… Tại sao không?

Bây giờ, các cựu tù cùng ông Bảng đem hiện vật biết nói đi giao lưu “trò chuyện truyền thống” với giới trẻ cả nước. Người từng mổ bụng mình để phản đối chế độ hà khắc ở nhà tù Phú Quốc, người từng chiến đấu ngoan cường hơn cả huyền thoại về sự ngoan cường vẫn còn sống giữa nhân gian. Họ trực tiếp kể chuyện mình và đồng đội đã khuất cho con cháu nghe. Đội của ông Lâm Văn Bảng, có thể coi là một Bảo tàng Sống.

Viên cai ngục tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam

Hơn 10 năm trước, sau khi viết bài báo độc quyền về Viên cai ngục Bảy Nhu, có lần tôi dẫn ông Sỹ, bấy giờ là Giám đốc làng Sinh viên Hacinco đến gặp một nhân vật đặc biệt là ông Vũ Minh Tằng, nạn nhân thảm khốc nhất từng được biến đến do tội ác của Nhu. Ông Sỹ tài trợ cho ông Tằng sửa nhà, mua vé máy bay ra đối thoại lịch sử với Bảy Nhu ngoài đảo Phú Quốc. Ba chúng tôi đến gặp ông Lâm Văn Bảng. Cựu tù Vũ Minh Tằng với 9 cái răng lưu lạc suốt gần nửa thế kỷ đã khiến chúng tôi đi từ cái sốc nọ đến cái sốc kia.

Ông Tằng kể, ông là Bí thư Chi bộ trong nhà tù, đào hầm khoét ngạch đưa ngót 100 bạn tù trốn khỏi đảo nhà tù đế quốc Phú Quốc. Giúp đồng đội trốn xong, ông chưa kịp đào thoát thì bị đám quân cảnh huy động tổng lực bắt lại. Chúng tra tấn thủ phạm nguy hiểm nhất - tên đầu trò của vụ trốn tù chưa từng có - ông Tằng - bằng những cực hình mà loài người chắc là chưa từng biết tới: đập vỡ đầu gối đến lúc xương trong bánh chè ông Tằng lạo xạo như vỏ trứng luộc, hốc mặt ông bị địch bắn vỡ xương, da đã liền nhưng xương bị hõm, giờ vẫn nhét vừa cái chén uống trà. Đặc biệt, Bảy Nhu (cai ngục) đã gọi ông lên và đánh bằng một ống sắt chuyên gạy răng tra tấn người. Lần lượt hắn bắt ông Tằng há miệng, hắn đánh và nhổ tươi 9 cái răng của ông, bắt ông nuốt hết máu và những cái răng với chân nhọn hoắt. Đây là môn tra tấn được lịch sử thế giới đã ghi lại, những lần không bắt nạn nhân nuốt răng và máu, Nhu bắt họ nhè răng ra, hắn thả lũ răng vào một ống bơ sữa bò và treo ở cổ hắn. Mỗi lúc hắn đi qua các buồng biệt giam, buồng tra tấn, là coi như đại họa ngoài sức tưởng tượng đã đổ xuống đầu các tù nhân.

Nghĩ là mình chỉ có thể chết quật cường, chứ không có cơ hội sống về quê mẹ, ông Tằng bèn chờ phóng uế ra 8 cái răng và khâu nó vào trong cạp quần chờ ngày mình chết thì nhờ người thả vào quan tài cho nó toàn thây. Khi địch bịt mắt, đưa bằng trực thăng vượt biển trao trả về bờ Bắc vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Paris năm 1973, ông Tằng mới tin là mình còn sống. 8 cái răng theo ông suốt hơn 40 năm, một cái phủ trong lớp mỡ bụng của một cơ thể đang sống nữa là 9.

Bỗng một hôm, ông Tằng vô cùng bất ngờ có một người bạn tù ở địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc đến thăm. Ông ấy là Lâm Văn Bảng. Ông Bảng nói rằng, thế thì 9 cái răng lưu lạc kia chính là hiện vật bảo tàng quan trọng nhất tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và tay sai, cũng như vinh danh các hy sinh quật cường của những người tù cộng sản và yêu nước. Thế giới này chưa có ai trưng bày trong bảo tàng 8 cái răng của một người đang sống. Ông Tàng nghe thế, rất lấy làm lạ. Nhưng vì trân quý tình cảm với anh bạn Lâm Văn Bảng, nên ông đồng ý đưa 8 cái răng mà mình đã trân quý hơn cả mạng sống kia lên Phú Xuyên, “thả” vào Bảo tàng các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày.

Tình cờ, một lần ra đảo Phú Quốc, tôi gặp phó Tỉnh Đội trưởng tỉnh Kiên Giang, bấy giờ là Đại tá Minh Chánh, anh có kể về một viên cai ngục tuổi chừng 80, từng được các cựu tù Phú Quốc kể như một ác quỷ. Ông ta đã quy hàng cách mạng được tha thứ và ẩn dật ăn chay niệm Phật suốt đời và chỉ cho Đội quy tập hài cốt K93 cùng nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm thấy khoảng 500 hài cốt người tù cộng sản và yêu nước. Ông ấy là Bảy Nhu, tức Trần Văn Nhu.

Sau Giải phóng, dù được khoan hồng để làm nhân chứng kinh khủng cho tội ác của đế quốc và tay sai, song Bảy Nhu sống ẩn dật trong rừng sâu của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Xung quanh nhà nhiều chó dữ, ông ta gài mìn vào hệ thống dây thép gai quanh rẫy. Ông có hai đời vợ và một vài người con. Trong một lần đi mua rượu cho cha uống để quên sầu mà… niệm Phật, một người con của ông ta đã dẫm phải mìn ở hàng rào thép gai do chính cha mình gài. Cụt mất một chân. Từ đó Bảy Nhu ân hận sâu sắc về lẽ nhân quả ở đời.

Khi chúng tôi đem hàng trăm triệu đồng đến làm lại bộ răng bị Bảy Nhu bẻ gẫy cho ông Tằng, sửa nhà và chữa bệnh cho ông cùng vợ và em trai bị tàn tật của ông, thì ông Tằng chỉ có một tâm nguyện: Được gặp kẻ “tử thù” Bảy Nhu một lần. Tôi đã dẫn ông ra đảo Phú Quốc, hai ông chửi nhau, nhận ra nhau, ôm nhau khóc. Hai ông hiểu, mình ở hai chiến tuyến, song là hai người của một giai đoạn lịch sử oái oăm. Thời ấy nó thế, Bảy Nhu là chó săn của Đế quốc nên phải làm thế, ông ta vẫn kính trọng một con người quật cường như ông Vũ Minh Tằng, dù vẫn phải tra tấn tàn nhẫn ông theo lệnh của đế quốc.

Hình ảnh ông Lâm Văn Bảng đi sưu tầm 8 cái răng lưu lạc của ông Tằng, cùng cảnh hai ông trao răng cho nhau trước khi ông Tằng bay ra nhà tù Phú Quốc đã ám ảnh tôi. Họ xứng đáng là một huyền thoại của huyền thoại về tinh thần yêu nước.

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.