Cơ chế chính sách đặc thù gỡ các “nút thắt” giúp các dự án hoàn thành tiến độ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 25/5, kỳ họp thứ 7, phiên họp tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cơ chế chính sách đặc thù gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án

Đại biểu Trần Việt Anh nêu, việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cơ chế chính sách đặc thù gỡ các “nút thắt” giúp các dự án hoàn thành tiến độ - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đồng tình với chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, từ trước đến nay, các cơ chế, chính sách đặc thù luôn phát huy hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, các “nút thắt” của các cơ chế, chính sách thông thường, giúp cho các chương trình, dự án được hoàn thành đúng tiến độ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất với tuyến cao tốc này và cả dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nên tạo tiền lệ thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Bổ sung đối tượng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) tán thành và đánh giá cao việc đề xuất bổ sung 4 đối tượng gồm một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị đại học, đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì thực tế trong quá trình thực hiện nội dung này đang bị “vướng” và rất khó. Tuy nhiên, theo đại biểu, không nên ban hành nghị quyết riêng về điều này mà chỉ nên ghi trong nghị quyết chung của kỳ họp.

Cơ chế chính sách đặc thù gỡ các “nút thắt” giúp các dự án hoàn thành tiến độ - ảnh 2
Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn Thanh Hóa) 

Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, do không điều chỉnh nhiều nội dung nên tên gọi như Tờ trình chưa phù hợp. Đại biểu Xuân đề xuất tên gọi chỉ nên là điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và cũng không nên ban hành nghị quyết riêng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao và ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng hưởng thụ của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm, là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều: Giáo dục, y tế và văn hóa thông tin.

Do thời gian còn lại của giai đoạn 1 không nhiều (còn 1,5 năm), đại biểu kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể, ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.

Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo chương trình phục hồi kinh tế và theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".


Tin cùng chuyên mục

Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ làm công tác trẻ em phụ trách rộng hơn

Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ làm công tác trẻ em phụ trách rộng hơn

(PNTĐ) - Sáng 18/6, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong điều kiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, mỗi cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã trong thời gian tới sẽ có địa bàn phụ trách rộng hơn, đối tượng cần được chăm sóc bảo vệ nhiều hơn, nên việc bố trí cán bộ chuyên trách và tăng cường đội ngũ cộng tác viên là hết sức cần thiết.
Bệnh viện Hữu Nghị lan tỏa yêu thương từ hoạt động cắt tóc miễn phí

Bệnh viện Hữu Nghị lan tỏa yêu thương từ hoạt động cắt tóc miễn phí

(PNTĐ) - Sáng 17/6/2025, tại tầng 2 nhà số 7, Công đoàn Bệnh viện Hữu Nghị phối hợp cùng gần 20 nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp đã tổ chức chương trình cắt tóc miễn phí cho người bệnh, người nhà và toàn thể cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện. Chương trình kéo dài từ 8h30 đến 16h30, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham gia.
Trực tiếp Giao lưu gương điển hình tiên tiến “Phụ nữ Thủ đô Tự tin - Hội nhập - Kết nối thành công” năm 2025

Trực tiếp Giao lưu gương điển hình tiên tiến “Phụ nữ Thủ đô Tự tin - Hội nhập - Kết nối thành công” năm 2025

(PNTĐ) - 8 giờ 30 phút  ngày 18/6, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng Thành phố tổ chức Chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô Sáng tạo - Hội nhập - Kết nối thành công” năm 2025. Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, trực tiếp tại Hội trường trụ sở Hội LHPN Hà Nội (số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) và trực tuyến trên Báo Phụ nữ Thủ đô điện tử tại địa chỉ: http://baophunuthudo.vn và fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội.