Góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước không phù hợp với yêu cầu đổi mới
(PNTĐ) - Thảo luận tại tổvề Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 23/11 các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng tình với việc tiền vốn của nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp thì trở thành vốn và tài sản của doanh nghiệp.
Không được giao quyền, doanh nghiệp trong nước "xơ cứng"
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp) đưa ra các quy định quản lý rất chặt chẽ. Tuy vậy, điều này dẫn đến các doanh nghiệp nhà nước gần như mất quyền chủ động trong việc quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn bản thân mình có. Việc này cũng khiến doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng tới kết quả sản xuất.
Đại biểu dẫn chứng từ việc tăng vốn điều lệ cho Vietcombank, cho thấy tiền tăng vốn này do chính Vietcombank kinh doanh hàng năm có lãi để lại. Thế nhưng với những năm 2019, 2020 lãi ít, chỉ dưới 10.000 tỷ đồng thì Vietcombank được quyền tự tăng vốn, không phải xin.
Đến những năm sau lãi nhiều, muốn tăng vốn phải trình lên Quốc hội để xem xét. Đại biểu cho rằng đây là điều rất vô lý, doanh nghiệp không được giao quyền dẫn đến các doanh nghiệp trong nước "xơ cứng", không hiệu quả, không năng động như các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy quy định chặt chẽ như vậy nhưng vẫn xảy ra tình trạng thứ 2 là thất thoát tài sản, tiền vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp không phải ít.
Tiếp tục dẫn chứng vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty bị đổ vỡ, đại biểu cho rằng, khi đổ vỡ chúng ta mới có biện pháp chứ không chấn chỉnh, không nắm được từ trước. Sau đó việc quy trách nhiệm cũng không phải dễ.
"Có thể thấy các quy định tại Luật số 69 chặt nhưng không rõ ràng trách nhiệm. Đây là điều cần thay đổi trong luật sửa đổi lần này", đại biểu nêu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện đang có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý nhà nước, quản lý của đại diện chủ sở hữu và quản lý của doanh nghiệp. Đây là ba chủ thể khác nhau nhưng lại bị lẫn lộn khiến việc quy trách nhiệm sẽ không hiệu quả, không biết do đâu. "Quy trách nhiệm thất thoát do đâu cũng không biết, cũng không thể phân định được. Nếu không quy định rõ thì không trao được quyền, quy được trách nhiệm", đại biểu nói.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Cường nhắc đến là hiện nay dự án luật đang đưa đối tượng doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên. Nếu chỉ đưa đối tượng này vào luật thì khiến luật này thành luật quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước. Bởi với 50% vốn của nhà nước trở lên gọi là doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy với những doanh nghiệp có dưới 50% vốn thì nhà nước bỏ không quản lý. Đại biểu nhấn mạnh điều đó là không được vì khi nhà nước bỏ vốn vào là phải quản lý. Do đó phải có chế tài trong luật này là quản lý tiền của doanh nghiệp có dưới 50% như thế nào, phải đưa vào luật.
Hay với những doanh nghiệp được nhà nước bỏ 100% vốn nhưng sau đó lại đầu tư vào doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp con thì trong dự thảo luật chưa quy định. Tiền đầu tư vào doanh nghiệp con này cũng là tiền nhà nước nên phải được quản lý.
Tuy nhiên, mỗi một cơ chế, nguyên tắc quản lý cho một mức tiền là phải khác nhau. Phải thực hiện theo quan điểm, tư tưởng là dòng tiền nhà nước đi đến đâu là phải quản lý đến đó.
Quy định về quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định về quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có sự chồng chéo.
Theo đại biểu, quan trọng hơn cả là tạo ra sân chơi giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước phải đồng đều, như các dịch vụ công, qua các gói thầu, đấu thầu các mặt hàng, dần dần một số lĩnh vực sẽ tư nhân hóa. “Chúng ta phải tinh gọn dần, Nhà nước cần quản lý và can thiệp gì. Tôi nghĩ là với doanh nghiệp vốn dưới 50% dần phải cổ phần hóa, Ủy ban vốn phản ánh nhiệm vụ này không làm được, sao chúng ta không quản lý?” đại biểu nêu.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước giống như một "chiếc áo quá chật" không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Trong khi trước đây, các doanh nghiệp tư nhân khao khát có được những ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước, thì giờ đây, các doanh nghiệp nhà nước lại mong muốn có cơ chế linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân để cạnh tranh bình đẳng.
Một vấn đề lớn là quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Lịch sử đã cho thấy nhiều trường hợp thất thoát tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Khi nhà nước kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của doanh nghiệp, điều này có thể dẫn đến sự trì trệ, giảm tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo. Ngược lại, nếu quản lý quá lỏng lẻo, nguy cơ làm liều, làm sai vẫn có thể xảy ra.
Theo đại biểu, cần một cách tiếp cận mới là chuyển từ quản lý hành vi cụ thể sang đánh giá mục tiêu tổng thể. Ví dụ, một số quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhỏ nhưng nếu tổng thể doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, thì không nên truy cứu trách nhiệm cá nhân quá mức.
Việc tiếp cận mới của Dự thảo Luật với cách đánh giá tổng thể mục tiêu quản lý Nhà nước. Chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu là nội dung lớn. Doanh nghiệp Nhà nước nếu hoàn toàn kinh doanh vì lợi nhuận mà quản lý chặt thì việc nắm bắt cơ hội sẽ rất khó khăn.
Theo đại biểu, trong Dự thảo Luật thiếu quy định về vai trò tiên phong, đi trước mở đường của doanh nghiệp Nhà nước như lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, hàng nhập khẩu.
Ngay cả lĩnh vực công nghệ số, có chấp nhận để doanh nghiệp nhà nước mua sản phẩm công nghệ của nước ngoài thay vì chờ doanh nghiệp nhà nước nghiên cứu?. Kèm theo vấn đề này sẽ là về giá cả có thể cao chứ không qua cơ chế đấu thầu, đấu giá... “Xét về mặt chính sách đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước phải có nghiên cứu sâu để có những doanh nghiệp nhà nước thực sự đi đầu mở đường nhất là trong giai đoạn hiện nay”- đại biểu nhấn mạnh.