Cơ hội vàng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số

Chia sẻ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên số với nhiều bước tiến vượt bậc. Đây là bước ngoặt mở ra cơ hội vàng cho phụ nữ phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống trên cơ sở phát huy bình đẳng giới.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Hiện nay, chuyển đổi số để phát triển kinh tế số quốc gia đang được nhiều nước trên thế giới đánh giá là xu thế tất yếu. Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra ý chí, khát vọng phát triển đất nước, đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, nước ta thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thực hiện định hướng này, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Chính phủ ban hành mà mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, nhằm phát triển ổn định và thịnh vượng. Trong đó, từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều đổi mới căn bản và toàn diện phương thức hoạt động, phát triển trong môi trường số an toàn, nhân văn, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp số. Đây cũng chính là chủ đề nổi bật của diễn đàn trực tuyến do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, với tiêu đề “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh”.

Tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Tác động của đại dịch Covid-19 khiến thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên những tác động, ảnh hưởng của đại dịch được xem là chất men xúc tác cho chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số, để phát triển kinh tế số, là “đòn bẩy” giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.

Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, Hội LHPN Việt Nam không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực kinh tế, với trên 50% số hộ kinh doanh, 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thương mại điện tử đã trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam… Phụ nữ sẽ trở thành những hạt nhân lan toả tinh thần “chuyển đổi số vắc-xin” để góp phần đưa nền kinh tế đất nước vượt qua đại dịch, sẵn sàng “sống chung với dịch”, thực hiện mục tiêu kép tự tin bước ra thị trường không gian số để phát huy tài năng bản lĩnh.

Về vai trò của công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo cũng như thực trạng và khả năng tiếp cận, thích ứng với công nghệ số của doanh nghiệp nữ, hộ kinh doanh, phụ nữ hiện nay, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Chuyển đổi số và thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong đại dịch. Đứng trước những khó khăn và thách thức của thời đại 4.0, Covid-19 trở thành “cú huých” lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại với thời cuộc. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đang đóng vai trò thiết thực trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mang đến lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều thử thách nhưng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc diễn đàn “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh” diễn ra ngày 15/10/2021Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc diễn đàn “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh” diễn ra ngày 15/10/2021 (Ảnh: P.V)

Kinh tế số: Đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh

Là một Hợp tác xã (HTX) có 95% xã viên nữ, trong thời gian qua, HTX trà xanh Thái Minh đã thành công trong việc thực hiện quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Vỏ sò… minh chứng cho sự chuyển đổi số trong việc mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nữ trong kỷ nguyên số.

Giám đốc Trần Thị Phương Thảo chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của HTX trà xanh Thái Minh trong việc thực hiện marketing và tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Theo bà Thảo, thương mại điện tử có nhiều điểm thuận lợi hơn so với thương mại truyền thống. Đó là cách thức quảng bá không giới hạn về địa lý nên việc tiếp cận khách hàng cũng không có giới hạn. Trước đây, bà không nghĩ mình có thể tiếp cận nhanh chóng khách hàng tại 63 tỉnh, thành và vượt cả ra ngoài lãnh thổ trong thời gian ngắn. Bởi nếu để tiếp cận được như thế thì cần chi phí rất lớn, hệ thống phân phối mạnh và thời gian dài. Nhưng với sự chuyển đổi số, mọi người đều có thể mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử hoàn toàn miễn phí. Điều này tiết kiệm chi phí rất lớn so với bán hàng truyền thống trước đây như: Chi phí mở cửa hàng, chi phí nhân viên bán hàng, chi phí các trang thiết bị để bán hàng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, đây là giải pháp rất tối ưu.

Trên sàn thương mại điện tử việc tiếp cận khách hàng rất nhanh chóng, doanh nghiệp giải đáp và đáp ứng nhu cầu khách hàng rất nhanh, giảm được thời gian bán hàng. Mặt khác, sàn thương mại điện tử có lưu trữ thông tin khách hàng, lịch sử giao dịch, từ đó doanh nghiệp có cơ sở để chăm sóc khách hàng, có những chính sách ưu đãi. Việc trên sàn thương mại có nhiều mặt hàng, sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp đối với doanh nghiệp là kênh để doanh nghiệp có thể tiếp cận để đánh giá vị trí về sản phẩm của mình ở đâu, có cạnh tranh và đáp ứng được xu thế trên thị trường hay không, từ đó doanh nghiệp có chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Thảo thừa nhận cùng với thuận lợi đó là những thách thức, doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh rất cao trên sàn thương mại điện tử, đòi hỏi phải luôn có sự đổi mới.

Để tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên số, nhận thấy thương mại điện tử và trực tuyến sẽ phát triển mạnh mẽ, HTX Thái Minh tiếp tục mở rộng đầu tư tập trung nguồn lực để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn điện tử trong nước và tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon, Ebay, mở rộng đối tượng khách hàng và tìm kiếm khách hàng quốc tế.

Bà Thảo cho biết HTX cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông marketing online và tiếp thị trực tuyến trên một số mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, Youtube; Xây dựng hệ thống chăm sóc và quản lý khách hàng tự động để quản lý và phát triển tốt hơn.

Câu chuyện chuyển đổi số trong truyền thông, truyền tải thông điệp đến với công chúng cũng được Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân chia sẻ tại diễn đàn. Khi đại dịch diễn ra, hoạt động của bảo tàng đã bị ảnh hưởng. Thay vì “nằm im” bởi không thể mở cửa hoạt động theo cách thức truyền thống, bảo tàng đã chuyển đổi số trong các hoạt động của mình. Năm 2020, đội ngũ lãnh đạo đã tự thay đổi nhận thức, sử dụng công nghệ số vào triển lãm, trưng bày, chuyển offline thành online. Mới đây nhất là triển lãm online “Vững tay chèo lái” kể câu chuyện về những phụ nữ, mô hình khởi nghiệp được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ. Họ đã vững tay như thế nào để vượt qua khó khăn, vượt qua Covid-19… Khi bảo tàng sử dụng công nghệ số kể câu chuyện đó đã gây xúc động cho người xem. Trong năm qua, bảo tàng cũng đã tìm kiếm được đối tác, chuyển đổi hệ thống trưng bày thường xuyên thành tour sản phẩm thăm quan 3600, và đã được phép đưa sản phẩm này đến công chúng bằng công nghệ số.

Công nghệ là nhân tố khởi tạo và chuyển đổi việc làm

Nghiên cứu “Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Hàm ý đối với thị trường lao động” của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, những tiến bộ về công nghệ có thể hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế (chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) bằng cách thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các lĩnh vực và công việc, hoặc đơn giản hóa công việc bằng cách giảm thiểu những nhiệm vụ phức tạp cho người lao động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và đa dạng hóa nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất, việc ứng dụng những công nghệ có tiềm năng dịch chuyển người lao động sang những công việc yêu cầu tay nghề cao hơn, mang lại năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, cách mạng số có tiềm năng chuyển dịch người lao động sang làm những công việc lấy khách hàng làm trung tâm trong lĩnh vực dịch vụ.

Ở Việt Nam tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ có mức cao đáng kể. Thống kê của tổ chức ILO cho thấy, 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ tương ứng ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, tỷ lệ ở châu Á-Thái Bình Dương ở mức 43,9%. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam không chỉ cao theo nghĩa tuyệt đối mà còn cao khi tương quan với tỷ lệ tham gia của nam giới.

Vì thế, kỷ nguyên số đang tạo ra cơ hội vàng cho phụ nữ để họ thay đổi cuộc sống bằng cách thay đổi tư duy, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học công nghệ. Khi công nghệ số góp phần mở rộng những cơ hội kinh doanh, việc làm cho phụ nữ, cuộc sống của họ sẽ được cải thiện theo hướng tiến bộ, phát triển hơn.

Tại cuộc Hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng tài chính vi mô góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh và việc làm đối với phụ nữ” do tổ chức tài chính vi mô tình thương (thuộc Hội LHPN Việt Nam) và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức tại Hà Nội trước đó, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống. Chuyển đổi số là cơ hội vô giá do đó chúng ta phải tận dụng cơ hội trong giai đoạn này. Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ số trong vận hành và tổ chức các hoạt động Hội, nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.