Góc nhìn:

Công khai, minh bạch Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Hồng Quân
Chia sẻ

(PNTĐ) -Luật Đất đai sửa đổi đề xuất xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo trung thực, khách quan, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, xử lý tình trạng đầu cơ, phạt tiền đối với các chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, hoặc sử dụng với mục đích khác.

Công dân có quyền tiếp cận thông tin về đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư; tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai thay vì hành chính hóa… là những điểm mới nổi bật trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến sẽ được trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. 

Sau 9 năm thi hành Luật Đất đai (từ 2013), lần sửa đổi Luật này được xem là lần sửa đổi toàn diện và đặt ra những vấn đề căn cốt để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn còn tồn tại. Đất đai được coi là tài nguyên và nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thời gian qua, thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề mới về các mô hình phát triển kinh tế mới như mô hình tập trung tích tụ đất đai, vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh cao và sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, trong lúc ruộng đất nông dân manh mún không thể cơ giới hóa và thâm canh tăng năng suất. Vấn đề thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế, nhưng lại tác động đến quyền sử dụng đất đai của các chủ sử dụng. Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn nhiều bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân… Những bức xúc từ thực tiễn này cần phải được giải quyết thông qua hệ thống chính sách pháp luật đất đai để đảm bảo sự phát triển của xã hội.

Hiện có đến 80% các vụ khiếu kiện xảy ra thời gian qua là khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, ở nhiều địa phương và chiếm tỷ lệ rất lớn trong các vụ tranh chấp khiếu kiện gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tham nhũng đất đai do lợi dụng các kẽ hở trong thực thi chính sách đất đai đã dẫn tới nhiều tướng lĩnh, nhiều người từng giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trở thành tội phạm đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và tạo ra các kẽ hở trục lợi chính sách, gây thất thoát lớn nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước. Đây cũng là điểm để cho các thế lực bên ngoài lợi dụng, xuyên tạc, chống phá bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN ở nước ta.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần nay sẽ tăng thêm 2 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư thành 2 chương; với 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đảm bảo tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy phát triển, quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng đất. Đặc biệt là Luật công khai, minh bạch các quyền của người sử dụng đất trong việc tiếp cận các thông tin về đất đai, về quy hoạch, kế hoạch… sử dụng đất - điều mà lâu nay người dân hầu như rất ít được tiếp cận. 

Vấn đề bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề nổi cộm, gây khiếu kiện nhiều nhất, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhất là các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dự án nhà ở để bán. Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung theo hướng cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đa dạng hóa các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; phải tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất. Một điểm mới nữa của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường đất đai khi Nhà nước thu hồi đất, thay vì trước đây việc xem xét, đền bù đất thường căn cứ vào khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành, thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Sau đó, đất này được giao cho các dự án phát triển kinh tế - đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh - để chủ đầu tư được giao đất, ăn chênh lệch địa tô lớn. Luật Đất đai sửa đổi đề xuất xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo trung thực, khách quan, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, xử lý tình trạng đầu cơ, phạt tiền đối với các chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, hoặc sử dụng với mục đích khác.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.