Cùng lá cờ Tổ quốc và cờ Hội đến Trường Sa thân yêu!

Chia sẻ

Lần thứ hai, được đại diện Hội LHPN Hà Nội tham gia Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đến thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, tôi đã được chứng kiến nhiều điều mới mẻ từ nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ vượt lên khó khăn gian khổ cùng tình nghĩa sâu đậm của cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội hướng về Trường Sa

Cán bộ chiến sĩ Đảo Trường Sa Lớn ký vào lá cờ Hội LHPN Việt NamCán bộ chiến sĩ Đảo Trường Sa Lớn nắn nót gửi những niềm yêu thương lên lá cờ Hội LHPN Việt Nam

Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đến 9 đảo, điểm đảo (Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn B, Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần. Đoàn cũng đã làm lễ chào cờ, tổ chức dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở đảo Song Tử Tây; thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ (đảo Trường Sa); làm lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ các tàu làm nhiệm vụ trực chiến và tàu KN 491; Lữ đoàn tàu ngầm189, Tàu ngầm 182 Hà Nội; thăm, làm việc với Lữ đoàn 146/V4 Hải quân; giao lưu văn nghệ với các cán bộ, chiến sĩ…

Đặc biệt, tại đảo Núi Le B, Đoàn đã khánh thành Nhà văn hóa đa năng cao 3 tầng cùng các công trình phụ trợ như cầu nối giữa các nhà, hệ thống pin năng lượng mặt trời, bể dự trữ nước ngọt, vườn rau... do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội xây tặng với kinh phí 40 tỷ đồng. Tiếp đó, Đoàn công tác, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Đông C. Thật tự hào và xúc động khi tôi được là 1 trong 3 đại biểu nữ tham gia thực hiện nghi lễ thả những viên đá móng đầu tiên của công trình xuống lòng biển. Giữa trời nước mênh mông, không xúc động sao được khi chính tại nơi này, chỉ ít thời gian nữa thôi, một Nhà văn hóa đa năng sẽ lại sừng sững hiện diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, công trình còn là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khu vực quần đảo Trường Sa.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn còn gửi tặng các điểm đảo, nhà giàn một số trang thiết bị như máy bơm, máy phát điện, quạt điện, tủ cấp đông, máy tính bàn, máy in, tivi, tăng âm, bộ karaoke, bình lọc nước chạy điện và máy lọc nước biển thành nước ngọt… Tại đảo Trường Sa, đoàn đã trao tặng “Nhà đồng đội”, Nhà “Đại đoàn kết” trị giá 100 triệu đồng cho quân nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Tính từ năm 2009 đến nay, thành phố Hà Nội đã tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa 10 công trình Nhà văn hóa đa năng cùng một số trang thiết bị với với tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà khách Thủ đô tại thị trấn Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Hải quân (năm 2009)… Tất cả là minh chứng rõ nét cho tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô, trong đó có cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội một lòng hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần chia sẻ khó khăn, động viên cán bộ chiến sĩ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương.

Khánh thành nhà văn hóa đa năng trên đảo Núi Le BĐoàn công tác khánh thành nhà văn hóa đa năng trên đảo Núi Le B

Đưa biển đảo đến gần với đất liền

Năm 2016, tôi đã được đại diện cho cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô tham gia cùng đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đến với Trường Sa. Ban đầu là niềm tự hào, sự háo hức lâng lâng của người cán bộ nữ được đến với đảo Trường Sa, rồi khi chứng kiến ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, niềm tin quyết thắng của quân, dân trên quần đảo, chúng tôi lại thêm trân trọng, tri ân những người con đất Việt ngày đêm bảo vệ biển đảo Tổ quốc yêu thương. Và tôi đã “gặp lại”, đã thấy lại cảm xúc khó nói thành lời đó trong nhiều anh, chị em thành viên Đoàn công tác và cả chính tôi trong lần thứ 2 trở lại Trường Sa. Sự xúc động của tôi càng nhiều hơn gấp bội khi được chứng kiến sự đổi thay đang hiện diện từng ngày ở Trường Sa.

Nói như đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Trưởng đoàn công tác: Đến với Trường Sa hôm nay, chúng ta như thấy đang ở giữa một làng quê trù phú trên biển - nơi có thể nhìn thấy những rặng tre, áng khói lam chiều, nghe tiếng gà gáy… Đó còn là trường tiểu học với tiếng trẻ con ê a học những bài học đầu tiên về tình yêu Tổ quốc, biển đảo quê hương trên đảo Sinh Tồn, những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường bê tông thẳng tắp trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn; là những vườn rau muống, rau ngót, mồng tơi xanh mát… trên đảo Đá Lớn B; là phòng đọc sách với hơn 2.000 đầu sách về các lĩnh vực văn hóa, pháp luật, kinh tế, chính trị các loại báo tạp chí, là sân bóng, sân cầu lông… trên đảo An Bang; là hệ thống điện gió, điện mặt trời được đầu tư đồng bộ trải khắp các đảo và điểm đảo… đã đem đến cho các chiến sĩ và cư dân trên đảo Trường Sa chất lượng sống mới, đưa cuộc sống ở đảo gần hơn với đất liền…

Đồng chí Lê Hồng Sơn - PCT Thường trực UBND TP Hà Nội động viên cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử TâyĐồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội động viên cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây

Đến nay, Trường Sa cũng đã xây dựng được nhiều bệnh xá với đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn tốt, được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy X-quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm hóa sinh… thậm chí có nơi còn có buồng tăng áp… qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều ca bệnh nặng đã có thể được cứu chữa thành công ngay tại đảo thay vì phải đưa về đất liền như trước. Việc cứu trợ, cứu nạn cho ngư dân gặp nạn trên biển cũng được thuận lợi hơn. Đó còn là những công trình đa năng như cầu cảng, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu tải trọng lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão, bãi đáp máy bay trực thăng, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh… không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn hỗ trợ quân - dân huyện đảo và ngư dân các địa phương phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa kinh tế - quốc phòng, qua đó nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đã lên thăm lá cờ gốm rộng hơn 300m2, nặng 3,5 tấn được ghép từ hàng trăm ngàn viên gốm - một biểu tượng tuyệt vời về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Từ trên cao nhìn xuống, màu lá cờ đỏ tươi, nổi bật giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi càng trân trọng sự cống hiến, quyết tâm bám biển, giữ đất bảo vệ biển trời Tổ quốc của các cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam và người dân cùng sự ủng hộ của đất liền để xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh về mọi mặt, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là “Thủ đô của quần đảo”. Tác giả của lá cờ gốm ấy là một phụ nữ Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Nhớ đến điều đó lại thêm ấm lòng tình nghĩa Hà Nội - Trường Sa.

Đồng chí Lương Xuân Giáp, Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa trao đổi với Đoàn tự hào khẳng định: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng quân và dân huyện đảo sẽ luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, nỗ lực cùng với nhân dân cả nước xây dựng huyện đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhất là Nghị quyết số 36 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phụ nữ Thủ đô Hà Nội - Hậu phương ấm áp của Trường Sa

Trong hành trang đến với Trường Sa của tôi lần này, tôi đã trân trọng mang theo hai lá cờ Tổ quốc và lá cờ của Hội LHPN Việt Nam. Giữa mênh mông bốn bề sóng nước, nổi bật là hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ tươi với sao vàng 5 cánh và lá cờ của Hội màu xanh nước biển, góc phải thêu biểu trưng hình chim bồ câu ngậm cành nguyệt quế tung cánh bên hình đất nước trên nền quả địa cầu, qua đó thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình, vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng nhưng mạnh mẽ, ngoan cường của người phụ nữ Việt Nam. Màu xanh của lá cờ Hội LHPN Việt Nam hòa cùng sắc đỏ lá quốc kỳ, như truyền thống của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam luôn một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại mỗi nơi đoàn đến, hai lá cờ đều được các cán bộ, chiến sĩ trân trọng đón nhận, ký tặng và nắn nót ghi lên đó những dòng lưu bút ý nghĩa. Đặc biệt, trên lá cờ Hội LHPN Việt Nam đã in dấu của HĐND huyện đảo Trường Sa, dấu, chữ ký của các đồng chí chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại 9 đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1 cùng nhiều những lời chúc, thông điệp ý nghĩa mà các cán bộ, chiến sĩ thông qua Hội LHPN Hà Nội viết gửi về đất liền như: “Hoàng Sa, Trường Sa một phần máu thịt không thể tách rời”, “Trường Sa đẹp lắm”; “Chúc Hội Phụ nữ luôn vững mạnh, ngày càng phát triển là một điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ Trường Sa hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “Chúc các mẹ, các chị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc”, “Cảm ơn các mẹ, các chị là hậu phương vững chắc để chúng con hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Lá cờ của Hội LHPN Việt Nam sẽ được tôi trân trọng chuyển đến trưng bày trong phòng truyền thống của Hội LHPN Hà Nội để trưng bày như một dấu ấn đẹp của Trường Sa đối với phụ nữ Hà Nội.

Cán bộ, chiến sĩ tại các đảo, điểm đảo xúc động cho biết: Năm nào, các anh cũng được đón đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội, trong đó có phụ nữ Thủ đô ra thăm. Ai cũng xúc động khi ở nơi cách đất liền hơn 1.000 hải lý lại được nghe tiếng nói Thủ đô Hà Nội, được nhận sự thăm hỏi, quan tâm ân cần, ấm áp của các chị, chẳng khác nào tình cảm của người mẹ, người chị, người em gái mình nơi quê nhà.

Tại đảo An Bang, Đại úy Lê Duy Hồng, đến từ Hà Đông, Hà Nội tâm sự: Anh đã có 9 năm công tác ở Trường Sa. Vì nhiệm vụ, anh phải thường xuyên xa nhà, hai con chào đời đều không được bố đón tay. Tuy nhiên, anh luôn yên tâm vì ở quê nhà, gia đình nhỏ của anh luôn được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của người thân, bà con làng xóm, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có tổ chức Hội Phụ nữ.

Đúng như vậy, nhận thức rõ vai trò của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn chỉ đạo Hội LHPN cơ sở tích cực triển khai các hoạt đồng đồng hành, thăm hỏi, chăm lo cuộc sống với các cán bộ, hội viên là mẹ, vợ chiến sĩ, trong đó có những chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa.

Sau hành trình kéo dài 12 ngày, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm Trường Sa. Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng đoàn công tác của Hà Nội thăm Trường Sa: “Giá trị lớn nhất sau chuyến công tác là sự thấu hiểu, chia sẻ, gắn kết nghĩa tình hơn, trách nhiệm hơn không chỉ giữa Trường Sa với đất liền mà giữa đất liền với nhau cũng thêm phần gắn bó… Và Hà Nội dù không có đảo, có sóng, nhưng mỗi con sóng dội vào Trường Sa đều rung động đến trái tim mỗi người dân Thủ đô. Bởi trái tim Hà Nội luôn cùng nhịp đập với Trường Sa thân yêu”.

Nhịp đập ấy lắng sâu trong lòng chúng tôi khi con tàu đi vào vùng biển đảo Gạc Ma, nơi các chiến sĩ ta đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ những tấc đảo, tấc biển phía Đông Tổ quốc. Chúng tôi đã được cùng nhau thả những vòng hoa tưởng niệm xuống làn nước biển trong xanh, và tung những cánh hạc giấy của anh chị em trong đoàn tự tay gấp bay lên khoảng trời Gạc Ma đến với linh hồn những người lính đã hy sinh. Nhịp trái tim Hà Nội ấy lại rộn ràng hoà cùng lính đảo, lính tàu và các cháu thiếu nhi của đảo trong những khi cùng nhặt rau, rửa bát phục vụ bữa ăn trên tàu, những cuộc chuyện trò tâm sự như không thể dứt. Nhịp đập ấy được hoà mãi trong những tiếng đàn, câu hát, vòng tay êm ái với anh em...

Trường Sa thiêng liêng và gần gũi vậy đấy! Đất mẹ thiêng liêng, hiền hậu luôn là hậu phương vững chắc của Trường Sa là vậy đấy!

Và Trường Sa luôn là điểm tựa, là nguồn cổ vũ cho mỗi người dân Hà Nội cùng mọi miền quê chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mãi xanh tươi, bền vững.

Lá cờ Tổ quốc và lá cờ Hội LHPN Việt Nam có chữ ký cùng những lời chúc từ Trường Sa chứa đựng niềm tin yêu ấy.

Từ ngày 15/4 đến ngày 27/4/2022, đoàn cán bộ thành phố Hà Nội do đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố làm Trưởng đoàn đã đến thăm, động viên các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK 1. Sau hành trình dài 12 ngày, chuyến công tác đã hoàn thành, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

 Một số hình ảnh của đoàn công tác: 

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tặng quà, động viên các cán bộ đang công tác tại đảo Đá Lớn BĐồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tặng quà, động viên các cán bộ đang công tác tại đảo Đá Lớn B

Lễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảoLễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trò chuyện với chị em phụ nữ ở đảo Song Tử TâyĐồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội (thứ 3 từ trái sang) trò chuyện với chị em phụ nữ ở đảo Song Tử Tây

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tặng quà Lữ đoàn 162Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tặng quà Lữ đoàn 162 

Giao lưu văn hoá, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá NamGiao lưu văn hoá, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa trân trọng ký và viết lưu niệm lên lá cờ Tổ quốc và cờ Hội LHPN Việt NamCán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa trân trọng ký và viết lưu niệm lên lá cờ Tổ quốc và cờ Hội LHPN Việt Nam. 

Khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông CKhởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C. 

Ghi chép của đồng chí NGUYỄN THỊ THU THUỶ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội

Ảnh: PHẠM LUÂN và ĐOÀN CÔNG TÁC

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.