Cuộc đời, sự nghiệp cách mạnh của người Anh hùng Nguyễn Phong Sắc

Chia sẻ

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc), sinh ngày 01/02/1902 và lớn lên ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một gia đình trí thức yêu nước.

Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Đình Phúc - một trí sỹ tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (năm 1907) bị bắt đầy đi Côn Đảo 5 năm - là người đã có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tinh thần yêu nước của đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ khi niên thiếu.

Được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, nhất là tấm gương yêu nước của người cha và hấp thu những giá trị văn hóa - anh hùng của đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến, từ khi học ở trường Dân Tiến, trường Công Ích cho đến khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc lớn lên cùng với việc chứng kiến nỗi thống khổ của Nhân dân, sự cai trị hà khắc, thâm độc của thực dân Pháp và gương anh dũng, bất khuất của các nhà cách mạng tiền bối...; những điều đó đã hun đúc trong tâm khảm Nguyễn Đình Sắc ý chí phải đánh đuổi thực dân tàn bạo, giải phóng dân tộc, giải phóng Nhân dân lao động.

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạnh của người Anh hùng Nguyễn Phong Sắc - ảnh 1

Sau khi từ chối đi du học ở Pháp, chàng thanh niên Nguyễn Đình Sắc làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương từ năm 1924 đến năm 1927. Là một trí thức giàu lòng yêu nước, trong thời gian làm việc cho cơ quan chính quyền thuộc địa, Nguyễn Đình Sắc đã tìm hiểu về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập), được đọc các sách báo cách mạng như: Báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Đường Kách mệnh,... nên càng nhận thức rõ lý tưởng tốt đẹp của con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng của người trí thức yêu nước. Đồng chí lấy tên mới là Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa của ngọn gió mới, chứa đựng khát vọng và nhiệt huyết của người trí thức yêu nước đã được giác ngộ. Từ đây, cuộc đời đồng chí Nguyễn Phong Sắc gắn liền với thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng rất vẻ vang trong lịch sử dân tộc - thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập (gồm 3 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc) và là một trong những cơ sở Hội sớm nhất, có tổ chức vững chắc và hoạt động sôi nổi, góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; từ đó xây dựng và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở một số tỉnh Bắc Kỳ. Tháng 4/1929, tại số nhà 68 Nam Đồng, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã bí mật tiến hành Đại hội nhằm kiện toàn tổ chức và thảo luận phương hướng hoạt động mới, bầu lại cơ quan lãnh đạo do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa tổ chức chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tích cực thực hiện phong trào vô sản hóa, gây dựng cơ sở ở nhiều nơi như nhà máy Đèn Bờ Hồ, xe lửa Gia Lâm, ga Hàng Cỏ, các làng Xuân Đỉnh, Ngọc Hà, Thịnh Hào, Yên Lãng, Khương Thượng... Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và tác động đến phong trào cả nước. Tháng 3/1929, Ban lãnh đạo của Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (gồm 8 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc) đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, tổ chức Hội nghị thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước; đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Việc thành lập Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long - chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước - đã cho thấy tư duy sắc sảo và sự nhạy bén chính trị của đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí; là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - từ trí thức yêu nước trở thành một người chiến sĩ cộng sản, một cán bộ cốt cán, kiên trung trong phong trào cách mạng. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện, tham gia chuẩn bị văn kiện của Đảng Cộng sản.

Trước yêu cầu của xu thế cách mạng, việc thành lập một chính đảng có đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng là vô cùng cần thiết, ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước, nhất là ở Bắc Kỳ phát triển và đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản. Cuối tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bí mật vào Vinh, cùng với các đồng chí của mình thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Kỳ bộ, tiến hành củng cố và mở rộng tổ chức đảng, tổ chức tuyên truyền, vận động thu hút đảng viên của Tân Việt và Thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản đảng. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đến Huế để vận động thành lập Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Thừa Thiên - Huế.

Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Trung ương lâm thời và được phân công tiếp tục phụ trách Trung Kỳ. Lúc này ở Trung Kỳ có hai hệ thống tổ chức Đảng là Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Theo tinh thần Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong sắc thực hiện sứ mệnh thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối, tạo sức mạnh mới của bộ tham mưu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Ở cương vị mới, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hăng hái hoạt động ở khắp địa phương các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... để phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên hiểu về ý nghĩa lớn lao của việc thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, về công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong sắc, các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ thống nhất về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ.

Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương Cộng sản liên đoàn bầu ra Ban chấp hành lâm thời Phân cục trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành lâm thời và sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tính đến tháng 5/1930, hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tháng 10/1930, tại hội nghị Trung ương lần thứ nhất đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào ban chấp hành và Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách lãnh đạo phong trào Cách mạng ở Trung Kỳ. Cuối năm 1930, Phân cục Trung ương Trung Kỳ họp Hội nghị thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn đề cao vai trò công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng Nhân dân, nhất là phát huy vai trò của báo chí làm vũ khí chiến đấu sắc bén, một phương tiện tuyên truyền vận động quần chúng. Những tờ báo cách mạng do đồng chí Nguyễn Phong Sắc thành lập, lãnh đạo và trực tiếp viết bài như: “Bôn-sơ-vích”, “Công hội”, “Công nông binh”, “Xích Sinh”, nhất là báo “Người lao khổ”,... đã nâng cao giác ngộ của quần chúng Nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, về con đường cách mạng đấu tranh giành độc lập, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lên án tội ác của kẻ thù, vạch mặt bọn thực dân đế quốc và tay sai... Những bài viết sâu sắc, có tính chiến đấu cao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cổ vũ, động viên, chỉ dẫn, khích lệ quần chúng Nhân dân tin vào sức mạnh đoàn kết dân tộc và đi theo Đảng, đi theo cách mạng; đồng thời định hướng cho sự hợp nhất các tổ chức tiền thân của Đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, nhanh chóng đón nhận sự ra đời của một chính đảng do lãnh tụ Nguyến Ái Quốc sáng lập ngày 3/2/1930. Sự thành công của cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh những năm 1930 - 1931 ghi dấu ấn sâu đậm của Xứ ủy Trung Kỳ, đặc biệt là vai trò của Bí thư xứ ủy Nguyễn Phong Sắc, là minh chứng hùng hồn, sinh động về năng lực lãnh đạo, tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng, huy động lực lượng tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở Nghệ - Tĩnh theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh của nhân dân”. Có thể thấy rằng, ở lĩnh vực lý luận tuyên truyền cách mạng, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng Nhân dân, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - một trong những nhà báo tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam - đã thể hiện rõ nét một nhà lý luận chính trị sắc sảo, có thực tiễn phong phú và cũng là người cán bộ dân vận tài năng, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, luôn sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, tạo được uy tín và niềm tin trong Nhân dân, qua đó khơi dậy ý thức cách mạng và dẫn dắt quần chúng Nhân dân tin tưởng, hết lòng đi theo cách mạng.

Không chỉ chú trọng lĩnh vực tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng lực lượng lãnh đạo, bộ tham mưu của cách mạng và xây dựng lực lượng quần chúng đông đảo tham gia cách mạng. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa tập trung xây dựng tổ chức Đảng, vừa trực tiếp chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên minh giai cấp công nhân và nông dân, xây dựng các tổ chức quần chúng từ tỉnh tới huyện, xã, thôn ở các tỉnh Trung Kỳ. Đây là cơ sở về mặt tổ chức cho phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ thành cao trào những năm 1930 - 1931 ở Trung Kỳ, tiêu biểu là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử sâu sắc; thể hiện bản chất cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân, trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân lao động trong cả nước. Thông qua cao trào cách mạng đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp Nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực cho cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “... Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam...” tạo tiền đề cho dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vai trò lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, đặc biệt là của Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Bí thư xứ ủy Nguyễn Phong Sắc trong lãnh đạo, tổ chức lực lượng cách mạng làm nên cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh được thể hiện rõ nét và sinh động. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là người đề xuất tổ chức cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy vào ngày 1/5/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Trung Kỳ; kịp thời có những bài viết đăng trên báo “Người lao khổ” để động viên quần chúng, chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục qua các cuộc đấu tranh của quần chúng,... Đồng chí viết: “Đấu tranh là vấn đề sống chết của quần chúng Nghệ Tĩnh. Quần chúng khác cũng phải hết sức tranh đấu để bênh vực công nông Nghệ Tĩnh”. Khi phong trào bị đàn áp đẫm máu, một số người hoang mang dao động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn bình tĩnh, kiên quyết chỉ đạo duy trì phong trào theo quan điểm: Lửa đã bùng lên càng phải làm cho nó cháy dữ dội... Gần 2 năm hoạt động cách mạng tại Trung Kỳ với vai trò là người đứng đầu chỉ huy cao nhất, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của Trung Kỳ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ Hai ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai (gần Ga Hàng Cỏ), rồi bị đưa vào Vinh. Mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, nhưng đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh phát triển mạnh, kẻ thù đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã hy sinh oanh liệt khi mới 29 tuổi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Khước từ mọi điều kiện của cuộc sống vật chất đầy đủ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tự nguyện hiến dâng cuộc đời, gia nhập vào đội ngũ của những người cộng sản, sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước. Là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ thời dựng Đảng, với hoạt động và cống hiến to lớn của mình, sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nảy mầm cho sức sống mới của cách mạng Việt Nam đi tới thành công. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Phong Sắc sẽ luôn khắc ghi đậm nét là một trí thức -chiến sĩ cách mạng ưu tú của Thủ đô Hà Nội, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

PV

Tin cùng chuyên mục

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

(PNTĐ) - Chiều 18/4, đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.