Đa dạng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, làng nghề
(PNTĐ) - Cùng với việc nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở các điểm đông dân cư trong nội thành thì Hà Nội cũng chú trọng phát triển tại khu vực ngoại thành, nhất là vị trí đặt còn gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Đa dạng các Điểm OCOP gắn với phát triển du lịch
Sau hơn 1 năm Sở Công Thương Hà Nội và UBND huyện Ba Vì tổ chức khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng Khánh Phát, xã Tản Lĩnh, gần khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Vườn quốc gia Ba Vì,… không chỉ nhiều người dân mà nhiều du khách đã có thêm điểm mua các sản phẩm đặc sản mà chất lượng cao.
Chị Minh Thu, ở KĐT Văn Phú, Hà Đông vừa có chuyến đi tham quan cùng cơ quan đến khu du lịch Ao Vua, qua cửa hàng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng Khánh Phát, xã Tản Lĩnh, chị đã chọn mua nhiều sản phẩm như sữa, bánh sữa, các thực phẩm đặc sản như mật ong, măng rừng,… về sử dụng chị cảm thấy rất hài lòng về chất lượng và yên tâm vì các sản phẩm đều đạt OCOP 3 - 4 sao.
Là một trong những HTX đưa sản phẩm chè đến Điểm OCOP Khánh Phát, bà Nguyễn Thị Thuyết, HTX Nông nghiệp Yên Bài cho biết: Chúng tôi mang đến sản phẩm chè sạch đạt chứng nhận 3 sao OCOP để phục vụ người dân trong vùng và khách du lịch tại các khu du lịch Tản Lĩnh nói riêng, Ba Vì nói chung. Sau hơn 1 năm, chúng tôi nhận thấy đây là một kênh giới thiệu và bán sản phẩm rất hiệu quả, giúp cho người nông dân đến gần hơn với người tiêu dùng.
Những Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt trên toàn Thành phố. Qua đó, giúp nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành nhận biết, lựa chọn là địa điểm mua sắm uy tín, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP của các đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng… Các đơn vị duy trì, vận hành cũng tích cực kết nối sản phẩm đa dạng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Cùng đó, việc phát triển các Điểm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề cũng là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất. Hiện Sở Công Thương Hà Nội đã phát triển hơn 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề, như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (2 điểm OCOP); làng nghề gốm sứ Bát Tràng (2 điểm OCOP); làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng Khánh Phát… đã trở thành những địa điểm giới thiệu, mua sắm tin cậy với du khách đến với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Không chỉ theo các hình thức truyền thống tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn được mở theo mô hình kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Mitix Caffee, số 192 Quán Thánh, quận Ba Đình. Người tiêu dùng không chỉ được thưởng thức cà phê, không gian cà phê, décor tại cửa hàng mà đơn vị còn kết hợp việc giới thiệu sản phẩm OCOP chất lượng của quận Ba Đình (bánh báo bếp mộc; bánh cốm; pate…) đến với người tiêu dùng; vừa tận dụng không gian, trang trí tại cửa hàng mà còn có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.
Nhân rộng, lan tỏa các điểm OCOP
Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên cung cấp thông tin danh sách trên 4.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đến doanh nghiệp, đơn vị quản lý, vận hành các Điểm OCOP để chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu.
Đồng thời, tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP các địa phương đi làm việc trực tiếp tại đơn vị quản lý, vận hành các Điểm OCOP như Đoàn công tác Sở Công Thương Bắc Kạn, Tây Ninh...
Qua đó, nhiều sản phẩm như miến dong Tài Hoan, bí xanh thơm (tỉnh Bắc Kạn); bánh tráng Tân Nhiên (Tây Ninh),… đã vào được hệ thống Điểm OCOP Biggreen, Miền Xanh; quầy hàng OCOP tại siêu thị Big C, siêu thị Đức Thành… Các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP cũng đã chủ động liên hệ với các chủ thể để kết nối sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố: An Giang, Nghệ An, Lào Cai, Bắc Kạn, Đồng Tháp….
Sở Công Thương Hà Nội cũng tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp phân phối Hà Nội tham gia trao đổi, ký kết ghi nhớ hợp tác khai thác tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang… để tìm những sản phẩm OCOP mới, chất lượng, giá cả phù hợp để đưa về thị trường Hà Nội phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, vận động, hướng dẫn các đơn vị có các địa điểm, cửa hàng kinh doanh tham gia phát triển thành Điểm OCOP để góp phần tăng cường nhận diện sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng.
Để phát huy hiệu quả của điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ để mở thêm nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn.
Với cách tiếp cận mới, bài bản và khoa học, các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Hà Nội sẽ còn được nhân rộng trong thời gian tới để lan tỏa các giá trị cho sản phẩm đặc trưng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, góp phần xây dựng thêm nhiều địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng Thủ đô.