Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay 24/10, tại phiên thảo luận hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới vấn đề tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập và cho rằng, cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 24/10, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan; xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Về bố cục của dự thảo Luật, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập - ảnh 2
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 24/10

Thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình quan tâm tới vấn đề cơ chế tài chính trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó quy định rõ mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Cũng đề cập đến vấn đề tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH Hà Nội đã dẫn chứng hai bệnh viện K và Bạch Mai vừa qua là hai bệnh viện lớn, có đầy đủ các điều kiện thuận lợi nhưng vừa qua lại xin… thôi tự chủ, trở lại cơ chế nhận ngân sách của Nhà nước và cho rằng, đây là sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập - ảnh 3
Quốc hội sáng nay 24/10 thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tương tự như vậy, nhiều bệnh nhân mong muốn được bỏ chi phí cao hơn để nhận về chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn nhưng cũng không được. Tuy nhiên, do không được đáp ứng nên họ đã phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc ra các bệnh viện quốc tế, tư nhân. Vì vậy, ĐBQH Hoàng Văn Cường hy vọng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (bổ sung) tới đây sẽ khắc phục được những thiếu sót này, tạo điều kiện để các cơ sở y tế công lập được thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, đưa bệnh viện trở thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cũng bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề tự chủ tài chính của các bệnh viện từ sự việc của hai bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Theo đại biểu, đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và  rất cần được luật hóa một cách minh bạch. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị bổ sung nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này.

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập - ảnh 4
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ 

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH Quảng Nam, ghi nhận điểm mới của Dự thảo Luật đã phân cấp bệnh viện thành 3 cấp ban đầu, cơ sở và chuyên sâu (Trước đây, bệnh viên chia theo tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, Dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ của các cấp bệnh viện cũng như chính sách của Nhà nước với từng cấp ra sao. Ông đặt câu hỏi, một bệnh viện có thể có cả 3 cấp không hay chỉ 1 cấp và có dẫn tới tình trạng bệnh nhân ở gần bệnh viện chuyên sâu nhưng vẫn phải đi tới cuối tỉnh để được khám bệnh… ban đầu.

Đại biểu Quốc hội “kêu cứu” cho cơ sở y tế công lập - ảnh 5
Đại biểu Nàng Xô Vi

Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề cập tới tình trạng người nhà bệnh nhân, bệnh nhân  hành hung nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng, từ đó đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định xử phạt để xử lý nghiêm hành vi hành hung nhân viên y tế.

Tại phiên thảo luận sáng 24/10, nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm vào Dự thảo Luật này nội dung về quyền của người bệnh như quyền được tiếp cận hồ sơ bệnh án chi tiết, quyền được “than phiền” về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ của y, bác sĩ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn“

Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn“

(PNTĐ) - Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

(PNTĐ) - Sáng 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và chỉ đạo tại Đại hội.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý.