Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Đổi mới, đột phá trong tầm nhìn và chiến lược

Chia sẻ

Diễn ra từ ngày 9-11/3/2022, với chủ đề “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì đất nước phồn vinh”, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022; đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027 và bầu Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027. 

Nhân sự kiện lớn của tổ chức Hội, báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn đồng chí Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về những điểm mới của Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cũng như tầm nhìn, chiến lược đổi mới, đột phá trong nhiệm kỳ 2022-2027.

Đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt NamĐồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Xác định 5 quan điểm phát triển mang tính đổi mới dài hạn

Thưa đồng chí, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của phụ nữ cả nước, có ý nghĩa trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động của tổ chức Hội và đánh dấu sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động của các tầng lớp phụ nữ vào quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Đồng chí có thể cho biết so với những kỳ Đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII có những điểm gì mới?

Đồng chí Hà Thị Nga: Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra từ ngày 9-11/3/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Công tác chuẩn bị được tiến hành nghiêm túc, khoa học, sát thực tiễn và đúng quy trình.

Trong quá trình chuẩn bị, Dự thảo báo cáo chính trị được thảo luận, lấy ý kiến từ Đại hội 3 cấp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Các vấn đề/giải pháp mới, khó về công tác phụ nữ đều có các nghiên cứu, đề tài khoa học để có căn cứ xác đáng, tin cậy, từ đó đưa ra các giải pháp khoa học, phù hợp cho 5 năm tới.

Đại hội lần này có nhiều điểm mới so với những kỳ Đại hội trước. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội xác định 5 quan điểm phát triển có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo. Chương trình Đại hội được thiết kế để các đại biểu có thể tham gia chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, bên cạnh các tham luận tại hội trường có 5 trung tâm thảo luận diễn ra đồng thời với các chủ đề như: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vai trò của phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Tôi mong rằng, với cách thức triển khai đó, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thu được những ý kiến quý báu, đặc biệt là tiếng nói từ cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ trong nhiệm kỳ tới.

Các hoạt động nhân dịp Đại hội và chào mừng thành công của Đại hội được xây dựng theo hướng thiết thực và hiệu quả. Trước phiên khai mạc Đại hội, diễn ra khai mạc triển lãm “Hội LHPN Việt Nam - viết tiếp những ước mơ”. Việc chào mừng thành công Đại hội cũng được các cấp Hội triển khai bằng những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội sâu sắc như phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng trồng cây xanh, phấn đấu trồng và đảm bảo sống ít nhất 130.000 cây xanh trong dịp này; nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” chung tay xây dựng được ít nhất 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỷ đồng cho phụ nữ vùng biên giới.

Về cách thức tổ chức Đại hội, chúng tôi lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, giảm thiểu sử dụng giấy và các sản phẩm nhựa dùng một lần và sử dụng bộ nhận diện trong toàn bộ hoạt động của Đại hội từ khẩu hiệu tuyên truyền, tài liệu, quà tặng, trang phục…

Khẳng định vị thế tổ chức Hội tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ

Xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển của tổ chức Hội trong một giai đoạn cụ thể luôn là yêu cầu cấp bách, quan trọng, làm kim chỉ nam cho việc thiết kế bộ máy và triển khai các hoạt động thực tế. Trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam xây dựng chiến lược và tầm nhìn phát triển Hội cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Thị Nga: Trước khi Đại hội Phụ nữ các cấp diễn ra, Hội LHPN Việt Nam đã đánh giá về thực tiễn hoạt động của các cấp Hội, hiệu quả của phong trào phụ nữ những năm vừa qua để từ đó xây dựng chiến lược phát triển Hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là đường lối chung, xuyên suốt cho các hoạt động của nhiều năm tới nhằm đưa hoạt động Hội vươn lên tầm cao mới và thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của phụ nữ Việt Nam.

Chiến lược phát triển đã được cụ thể hóa rõ nét hơn trong Báo cáo chính trị cũng như các văn kiện của Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Về phương hướng nhiệm kỳ 2022-2027, Hội xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo, đó là:

Thứ nhất, bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội.

Thứ hai, lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.

Thứ ba, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.

Từ các quan điểm trên, Hội LHPN Việt Nam xây dựng các giải pháp phù hợp, lấy việc đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh làm khâu đột phá cho nhiệm kỳ 2022-2027.

Với quan điểm ấy, Hội kỳ vọng Đại hội lần này sẽ tiếp tục mở ra một nhiệm kỳ mới thành công và hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, Hội sẽ khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố, Hội LHPN Hà Nội thăm triển lãm “Tự hào Phụ nữ Thủ đô” tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội tháng 11/2021	Ảnh: PVĐồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố, Hội LHPN Hà Nội thăm triển lãm “Tự hào Phụ nữ Thủ đô” tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội tháng 11/2021. Ảnh: PV

Ứng dụng công nghệ thông tin để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống

Việc thực hiện Nghị quyết sau Đại hội rất quan trọng. Theo đồng chí, làm thế nào để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nói chung và Đại hội Phụ nữ các cấp vào triển khai có hiệu quả trong thực tiễn?

Đồng chí Hà Thị Nga: Điều quan trọng để Nghị quyết Đại hội sớm đi vào cuộc sống đó là làm thế nào cho các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu đầy đủ về phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; 2 khâu đột phá, 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chủ yếu và 8 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2022-2027. Thông qua quá trình lấy ý kiến rộng rãi các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội thực chất cũng là quá trình tuyên truyền, phổ biến những nội dung định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội.

Ngay sau Đại hội, Hội LHPN Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hội thảo/tập huấn, truyền thông triển khai Nghị quyết Đại hội với các nội dung cụ thể trong thời gian ngắn nhất và tới nhiều người nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ ban hành các hướng dẫn chi tiết và các tài liệu chuyên đề theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các cấp Hội Phụ nữ có thể cụ thể hóa, triển khai dễ dàng đến từng hội viên, phụ nữ.

Việc vận dụng, triển khai Nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi các cấp Hội, các cán bộ Hội nhất là người đứng đầu phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc. Triển khai Nghị quyết Đại hội phải thực sự dựa trên đặc điểm, tình hình, nhu cầu… của hội viên, phụ nữ tại từng địa phương, từ đó đưa ra cách thức, nội dung triển khai Nghị quyết phù hợp, hiệu quả.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, theo đồng chí, tổ chức Hội nói chung, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam nói riêng cần đáp ứng những tiêu chí, yêu cầu gì để có thể tự tin hội nhập và phát triển nâng cao vị thế, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước?

Đồng chí Hà Thị Nga: Những phát triển và thay đổi của xã hội trong giai đoạn tiến tới kỷ nguyên số và hội nhập hiện nay mang lại những thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ.

Nhiệm kỳ tới, Hội xác định 1 trong 2 khâu đột phá đó là tập trung nguồn lực thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Đề án chuyển đổi số Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 và Chương trình hỗ trợ 1 triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm một số mô hình/hoạt động mới như: Các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng Internet; phát hành thẻ hội viên thông minh. Ngoài ra, Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030”.

Về phía bản thân mình, mỗi phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.

Đặc biệt, đối với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, phụ nữ khởi sự kinh doanh, việc nắm vững các kiến thức pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và phụ nữ càng phải là ưu tiên hàng đầu, để tranh thủ những nguồn lực tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, của bản thân. Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ cần nắm bắt cơ hội, tự tin, tự cường vươn lên, phát huy sáng tạo và năng lực tiềm tàng của bản thân bắt kịp cùng những biến chuyển của thời đại.

Nhận thức được những yêu cầu của thời đại đặt ra đối với phụ nữ, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN Việt Nam tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhằm cụ thể hoá nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII. Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định theo các tiêu chí của con người Việt Nam trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào công cuộc xây dựng đất nước, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đồng hành với hội viên, phụ nữ qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên cơ sở những kết quả đạt được của cuộc vận động trong các nhiệm kỳ qua.

Tuy nhiên nội hàm của cuộc vận động có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Riêng tại những địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ thí điểm xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch” (dự kiến 5 Có gồm: Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế bền vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hóa).

Cùng với phong trào thi đua và cuộc vận động kể trên, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em; tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm góp tiếng nói của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh các hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, Hội LHPN Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành, các địa phương và toàn xã hội đối với phong trào phụ nữ và tạo điều kiện nhiều mặt cho phụ nữ có thể phát huy hơn nữa tiềm năng, nội lực trong thời đại 4.0.

Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch và chúc Đại hội XIII thành công rực rỡ!

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục