Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực xây dựng:
Dân sửa nhà trong ngõ thanh tra cũng nắm được, sao nhiều sai phạm lớn lại không phát hiện ra
(PNTĐ) - Dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng diễn ra vào chiều 3/11 đã ghi nhận nhiều ý kiến chất vấn của các ĐB xoay quanh các nội dung về thiếu nhà ở xã hội, nhà chung cư xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa, tình trạng xây dựng sai phép nhưng chậm bị xử lý, ngập úng, ách tắc giao thông đô thị…

Phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu
Chất vấn tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP HCM đã nêu vấn đề về nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án. ĐB Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi, Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng như có biện pháp gì để tăng tăng nguồn cung nhà ở xã hội?

Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, ĐB Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội lại chất vấn về tình trạng chung cư, khu đô thị xuống cấp nhiều hạng mục nhưng lại chậm được sửa chữa do chủ đầu tư chưa bàn giao nhà?
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum lại nêu vấn đề về giá nhà ở xã hội cho người có lao động có thu nhập thấp vẫn còn cao, chẳng hạn giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2 và chất vấn Bộ trưởng có giải pháp nào để “hạ nhiệt” giá nhà ở xã hội?
Trả lời câu hỏi của liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu do nhiều lý do như hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc, nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn khiêm tốn, một số địa phương chưa chú trọng việc tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong các giải pháp tháo gỡ thì việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội là rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp.
Bộ trưởng cũng thừa nhận hiện vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều dự án chưa bàn giao đã xuống cấp, nhiều dự án kéo dài, chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng.
Vì vậy giải pháp là cần quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư; quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định dự án hạ tầng đô thị; đặc biệt cần xử phạt nghiêm với chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Sai phạm xây dựng chậm được xử lý
ĐB Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phản ánh gần đây có tình trạng cư dân căng băng rôn, thậm chí tập trung đông người, yêu cầu chủ đầu tư phải trả cho người mua sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở do tình trạng này là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. ĐB này hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp buộc các chủ đầu tư thực hiện quy định?

Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn ĐBQH Bắc Kạn nêu, nhiều cử tri, cử tri cho biết là người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được. Trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện ra. Vậy liệu có phải có tiêu cực trong vấn đề này không cũng như trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng ra sao? Cử tri băn khoăn là liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không cũng như trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng ở đâu?
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận vẫn còn tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý nhà chung cư dù đã có tương đối đồng bộ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay. Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại trong vận hành nhà chung cư hiện nay như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị, quy chế thu chi tài chính nhà chung cư chưa rõ ràng, không thống nhất đơn vị vận hành quản lý chung cư; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua. Bộ Xây dựng đã thanh tra, xử lý chủ đầu tư vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục; góp phần giải quyết các tranh chấp, khiếu nại. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Với những hành vi vi phạm, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

Đối với sai phạm trong xây dựng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay các quy định đã có tương đối đầy đủ và có chế tài rất rõ. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật đảm bảo theo đúng quy định,đồng thời rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật. Tiếp thu ý kiến của ĐB, Bộ trưởng cam kết Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định chặt chẽ nhằm hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.
Chất vấn Bộ trưởng về một vấn đề dân sinh khác, ĐB Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã mô tả thực trạng tại ngập úng đang xảy ra trên khắp nước ta từ Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội mưa cũng ngập mà không mưa cũng ngập. Bên cạnh đó còn là tình trạng tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao. Theo ĐB này, đây là những tồn tại xảy ra đã lâu nhưng chậm được giải quyết. ĐB đặt câu hỏi cho Bộ trưởng có giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên.

Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận tình trạng ngập úng vẫn còn là một bất cập làm ảnh hưởng đời sống người dân mà chưa được giải quyết dứt điểm. Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết do quy hoạch, quá trình xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra việc thoát nước đạt tiêu chuẩn…