Đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, môi trường bị bức hại, chính quyền xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức có làm ngơ?

Chia sẻ

(PNTĐ) – Trên địa bàn xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, có hàng chục nhà cao tầng, biệt thự xây dựng không phép; hàng trăm nhà xưởng cũng không phép mọc lên trên đất nông nghiệp, hoạt động sản xuất rầm rộ, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

Hàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp công thuộc UBND xã Dương Liễu quản lýHàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp công thuộc UBND xã Dương Liễu quản lý

Phản ánh đến Báo Phụ nữ Thủ đô về tình trạng vi phạm về xây dựng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức bức xúc rằng vi phạm kéo dài mà dương như chính quyền địa phương làm ngơ?!.

Nhà cao tầng, nhà biệt thự không phép, lấn chiếm

Khảo sát thực tế, phóng viên ghi nhận ở khu vực Chợ Tre, men theo đường đê là dãy nhà, nào biệt thự 2, 3 tầng, nhà cao ngất 5 tầng, nào cửa hàng, cửa hiệu, quán café… Những ngôi nhà này nằm trên đất công do UBND xã Dương Liễu quản lý và đều là vi phạm về xây dựng.

Cụ thể, dãy nhà này có 10 hộ gia đình gồm: Ông Nguyễn Văn Hiền, ông Ngô Văn Phong, ông Nguyễn Phi Thanh, ông Nguyễn Phi Thủy, ông Nguyễn Huy Vượng, bà Tiến Thị Thanh, bà Tài Thị Mùi, ông Phí Đăng Mười, ông Đỗ Văn Tính và ông Nguyễn Văn Học.

Dãy nhà vi phạm xây dựng ở khu vực Chợ TreDãy nhà vi phạm xây dựng ở khu vực Chợ Tre, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức

Về nguồn gốc đất sử dụng của các hộ này là đất nông nghiệp công ích, đất công do UBND xã quản lý, được UBND huyện Hoài Đức ký hợp đồng cho thuê để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các hộ này đã xây dựng công trình không xin cấp phép theo quyết định cho thuê đất của UBND huyện, sử dụng không đúng diện tích, ranh giới, mục đích sử dụng đất theo quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất đã ký.

Cùng với vi phạm xây dựng nhà xưởng không xin phép, các hộ này còn lấn chiếm đất công thuộc hành lang đê, đất lưu không bảo vệ kênh T5 khu Chợ Tre với diện tích vi phạm mỗi hộ từ 100m2 đến hơn 400m2.

Đáng chú ý, việc vi phạm đã “rõ như ban ngày”, được các cấp quản lý như Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức nhiều lần thanh tra, kiểm tra và ra kết luận xử lý vi phạm nhiều năm nay, song vẫn ngang nhiên tồn tại. Đặc biệt, các công trình sau lại không ngừng “vươn cao” hơn, kiên cố hơn công trình trước. Điển hình là công trình nhà 5 tầng mới xây dựng trong năm 2020-2021.

5ha đất nông nghiệp công bị “xẻ thịt”, môi trường bị bức hại

Cũng trên địa bàn xã Dương Liễu, đi dọc khu đất bãi Lò Gạch-đồng Bưởi, nằm xen giữa đội 7B và đội 8, giáp ranh với thôn Hòa Hợp, có tới hàng chục ngôi nhà ở khang trang, hàng trăm nhà xưởng san sát như khu dân cư, cụm công nghiệp hoạt động rầm rộ.

Hàng loạt các ống khói xả thẳng ra môi trườngHàng loạt các ống khói xả thẳng ra môi trường

Phóng viên quan sát thấy ống khói, cống rãnh đều nhuốm màu ô nhiễm. Với quy mô diện tích 5ha, là đất nông nghiệp công ích do UBND xã Dương Liễu quản lý, nhiều năm trước cho người dân thuê với mục đích sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, từ hàng chục năm đến nay, nhiều hộ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, tự ý san lấp những thửa ruộng, mảnh ao, xây dựng thành nhà ở, nhà xưởng và đưa máy móc, nhân công vào sản xuất kinh doanh. Các nhà xưởng có quy mô từ 100m2 đến hàng nghìn m2, chủ yếu được dựng quây tôn, mái tôn, một vài nhà ở kiên cố 2, 3 tầng, thậm chí có nhà xây dựng khang trang với kiến trúc biệt thự.

Nước thải ở nhà xưởng sản xuất chảy thẳng ra cống, mươngNước thải ở nhà xưởng sản xuất chảy thẳng ra cống, mương

Trước thực trạng nhà xưởng đua nhau mọc lên, người dân đã có ý kiến phản ánh, chính quyền địa phương cũng có động thái lập biên bản, thậm chí năm 2020-2021 cũng tổ chức tháo dỡ một vài nhà xưởng. Tuy nhiên, sau đó vẫn có hàng chục nhà xưởng tiếp tục được dựng lên và đi vào hoạt động. Các nhà xưởng này đang hoạt động sản xuất nhiều mặt hàng như: bánh kẹo, giấy, nhựa, bột… 

Một số xưởng lớn có diện tích hàng nghìn m2 phải kể đến như: Hộ ông Nguyễn Huy Quý sản xuất giấy, hộ ông Nguyễn Huy Vận sản xuất nhựa, hộ ông Nguyễn Đồng Hưng sản xuất bánh kẹo, các hộ bà Huy Thị Nhung, ông Phí Công Tuấn, ông Phí Công Đoàn…

Đất nông nghiệp dần bị Đất nông nghiệp dần bị "xẻ thịt" bởi nhà xưởng đua nhau mọc lên.

Hiện nay, những nhà xưởng nằm sát nhau, đang rầm rộ tiếng máy móc chạy và xả thải ra nào mùi hôi thối, nồng nặc từ các cột khói, nước thải đủ màu sắc từ các phế phẩm trong quá trình sản xuất xả thẳng vào hệ thống cống, mương, kênh. Điều này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh, gây bức xúc trong dư luận.

Trong khi vi phạm về xây dựng của 10 hộ dân ở khu Chợ Tre và hàng trăm nhà xưởng ở khu Lò Gạch vẫn luôn gây bức xúc trong nhân dân thì cơ quan quản lý là chính quyền địa phương-UBND xã Dương Liễu dường như vẫn “bình chân như vại” để vi phạm tồn tại kéo dài mà chưa có động thái xử lý dứt điểm!

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.