Dấu ấn 40 năm đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển đất nước

VÂN NHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 18/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa 40 năm qua ở Việt Nam làm việc với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng nhóm 6 - Trưởng đoàn công tác; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Cùng dự có GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng đoàn cùng các thành viên Đoàn công tác...

Tại buổi khảo sát, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, một trong những thành tựu quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh sau 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần giá trị các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ...

Tại thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Thành lập khu công nghệ cao; Công viên phần mềm Quang Trung - mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Công nghệ sinh học.

Cùng với đó là thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bước đột phá để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Dấu ấn 40 năm đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển đất nước - ảnh 1
Đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm trưởng đoàn tại buổi làm việc với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo SGGP.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ động kiên trì đeo bám, tham mưu đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phát triển, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”. Đề ra và xác định các chương trình công trình trọng điểm, chương trình đột phá để giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương.

Một trong những dấu ấn tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tình. Cùng với phát triển kinh tế, các phong trào hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm thực hiện với nhiều mô hình sáng tạo, thực sự hướng về nhân dân, phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình của người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động triển khai thực hiện các chương trình riêng để đẩy mạnh công tác tạo nguồn, đào tạo, rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ. Đảng bộ Thành phố đã xây dựng chương trình đào tạo cán bộ trẻ tuổi, chương trình đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ trong nước và nước ngoài, chương trình tạo nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân, chương trình bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Từ thực tiễn công tác, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thành những quy định pháp luật cụ thể tổ chức thực hiện. Kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 để thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết các vướng mắc, nhanh chóng tạo bước chuyển đột phá, thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững...

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn công tác Trung ương đề xuất với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh làm rõ hơn các bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn tới những thành tựu; những điểm còn vướng mắc của thành phố, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Đoàn công tác kiến nghị: “Các đồng chí ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các thị trường khoa học - công nghệ, thị trường lao động; di dân tự do về đô thị lớn; các định hướng trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh các nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; những kinh nghiệm có được khi thực hiện các cơ chế thí điểm...".

GS-TS Tạ Ngọc Tấn đề nghị thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm kinh nghiệm trong xây dựng môi trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa; các vấn đề đô thị hóa…, và nhất là những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn công tác Trung ương nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò là động lực, đầu tàu của khu vực phía Nam và cả nước; nơi có nhiều mô hình hay, sáng tạo và những kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực.

Qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng.

Ngoài ra, trên tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, thành phố cũng đã nhận diện rõ một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển của địa phương, từ đó đề xuất, kiến nghị quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần phát triển thành phố nhanh, bền vững.

"Những vấn đề trên đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là: Chủ nghĩa xã hội luôn luôn là mục tiêu lớn lao, lý tưởng cao đẹp của Đảng ta và nhân dân ta. Mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và công bằng cho mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội"- đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.