Dấu mốc khởi nguồn sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ

Chia sẻ

Để làm rõ những đóng góp nổi bật mang tính lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp phát triển dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng phụ nữ, khởi nguồn từ việc Bác ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, báo Phụ nữ thủ đô đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

- Thưa Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giáo sư đánh giá như thế nào về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc bắt nguồn từ cuộc ra đi tìm đường cứu nước cách đây 110 năm ?

- GS.TS Hoàng Chí Bảo: Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lê nin và truyền bá vào Việt Nam. Người đã tìm thấy con đường đúng đắn duy nhất để giải phóng dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng. Năm 1930, Người đã sáng lập ra Đảng ta và cũng là người rèn luyện Đảng ta trong suốt quá trình lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Một sự kiện vĩ đại nữa là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trên cả nước chỉ trong vòng 15 ngày với lệnh Tổng khởi nghĩa của Bác, chấm dứt ngót 1 thế kỷ đô hộ của thực dân, mở ra chính thể dân chủ cộng hòa đầu tiên ở nước ta. 

GS Hoàng Chí BảoGS Hoàng Chí Bảo

Sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cách đây 110 năm còn mở đầu cho một thời đại mới của Việt Nam mà Đảng ta sau này đánh giá là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Dưới ánh sáng của thời đại Hồ Chí Minh, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Chúng ta đang tiếp tục đổi mới, hội nhập thành công với quốc tế, xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh, hiện đại đúng như khát vọng của Bác lúc sinh thời.

- Thưa Giáo sư, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn đặc biệt nào góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam ?

- GS.TS Hoàng Chí Bảo: Trong cả cuộc đời của Bác từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành một vĩ nhân và ngay cả trong phút cuối cùng trên giường bệnh, Bác vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến Phụ nữ. Bác khuyên Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch phải chịu khó nghiên cứu, sản xuất nhiều thuốc bổ, thuốc chữa bệnh cho các cháu gái (thanh niên xung phong) vì Bác thấu hiểu chiến trường ác liệt lắm. Bác muốn sau này khi chiến tranh kết thúc, trở lại cuộc sống đời thường, các cháu gái vẫn có thể làm vợ, làm mẹ. 

Trở lại với sự nghiệp giải phóng phụ nữ khởi nguồn từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác sau này thể hiện qua những điểm nổi bật sau: 

Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong lễ ra mắt quốc dân đồng bào ở quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã chọn 2 người phụ nữ kéo cờ. Một người là nữ tri thức Hà Nội, một người là nữ du kích dân tộc Tày ở Cao Bằng. Đó là bởi Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, dành độc lập chống quân Nam Hán đầu Công nguyên nên khi nước Việt Nam mới ra đời, vinh quang này Bác muốn dành để tôn vinh người phụ nữ. Bác muốn phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp truyền thống là con cháu Bà Trưng - Bà Triệu.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cũng quan tâm đặc biệt đến phụ nữ, tạo mọi điều kiện để chị em vừa tham gia kháng chiến vừa kiến quốc. Trong kháng chiến chống Mỹ Bác đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Bác Hồ cũng rất quan tâm đến cán bộ nữ trong cơ cấu đội ngũ cán bộ. Bác phê bình lãnh đạo các tỉnh không quan tâm đến phụ nữ. 

Người cũng rất coi trọng và bảo vệ phụ nữ trong cả gia đình, trong quan hệ giữa nam và nữ. Đến hội nghị nào, Bác cũng hỏi các cán bộ nam còn đánh vợ nữa không. Bác nói đánh vợ là dã man, là kém đạo đức, là thiếu văn hóa phải bỏ ngay. 

- Thưa Giáo sư, hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy theo Giáo sư, phụ nữ Việt Nam cần làm gì để thiết thực học tập và làm theo Bác ?

- GS. TS Hoàng Chí Bảo: Học tập và làm theo Bác, chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ Thủ đô có thể thực hiện những việc làm cụ thể, thiết thực sau:

Thứ nhất cần thực hiện ngay những chỉ dẫn của Bác về phụ nữ và về công tác nữ, nhất là công tác cán bộ và phong trào phụ nữ. Phụ nữ hiện nay cần rèn luyện cho được những phẩm chất cao quý, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam như đức hy sinh, lòng bao dung, dịu hiền, vị tha, nhân ái....Đặc biệt phụ nữ Thủ đô cần tinh tế, thanh lịch trong ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Trong phong trào phụ nữ phải tiếp tục học Bác tinh thần đổi mới, tránh sơ cứng, quan liêu, hành chính. Phong trào phải có sức sống thực sự lôi cuốn chị em, hội viên tham gia. Hội LHPN là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, mang tiếng nói của một nửa xã hội. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ, nhất là quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Hội để duy trì và phát triển phong trào phụ nữ xứng tầm trong thời kỳ mới, để phụ nữ không chỉ có tiếng nói mà còn đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. 

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư !

HOÀNG LAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.