Đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp
(PNTĐ) - Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tình hình kinh tế xã hội có những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Về giáo dục đại học, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.
Về vấn đề hội đồng trường của các trường đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, theo Luật Giáo dục đại học 2018, hội đồng trường đại học là một thành phần, cơ cấu đương nhiên của các trường đại học. Thực tế hiện nay, các trường đại học khối quốc phòng, an ninh không thành lập Hội đồng trường, Hội đồng trường của hai đại học Quốc gia thì Chủ tịch Hội đồng Đại học là Giám đốc Đại học, kiêm Bí thư Đảng ủy, điều này không đúng với quy định của luật hiện hành.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với hội đồng trường có chồng lấn, gây khó khăn cho nhà trường trong việc triển khai.
Đây là vấn đề lớn, đại biểu bày tỏ quan điểm cần phải thượng tôn pháp luật, nếu thực tế cho thấy bất cập thì Chính phủ cần trình đề xuất phương án sửa đổi luật, hoặc trong thời gian chờ sửa luật phải có Nghị quyết để các trường đại học khối quốc phòng, an ninh không thành lập Hội đồng trường, hoặc để cho phép Giám đốc Đại học Quốc gia đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Đại học, để các trường yên tâm triển khai công việc của mình, đảm bảo việc thượng tôn pháp luật, tránh những rắc rối pháp lý có thể xảy ra.