Góp ý dự thảo Luật Quảng cáo:

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tăng diện tích, thời lượng quảng cáo cho báo chí là rất cần thiết

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước. 

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 2
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này. Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

 Đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. 

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 3
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) phát biểu

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) góp ý về quảng cáo trên báo in tại Điều 21 của luật quảng cáo năm 2012, theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. Theo đại biểu, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 4
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang)phát biểu

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. 

Nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”

Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo. Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo này và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 5
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) phát biểu

Đại biểu bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm. Báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định. 

Do vậy, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng ngân sách nhà nước, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được bao tiêu sản phẩm… Theo đại biểu nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do ngân sách nhà nước bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện.

Đề xuất giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo  - ảnh 6
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Khẳng định rằng lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Đối với các góp ý của đại biểu Quốc hội, về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

(PNTĐ) - Huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ và 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh. Để bảo vệ, gìn giữ, tạo điều kiện để các loại hình di sản văn hoá phi vật thể huyện Hoài Đức đã tạo không gian thực hành, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản văn hoá đáng quý.