Di sản của Bác trong căn nhà “Di tích lịch sử quốc gia” ở Hà Nội

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An (số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) nằm ngay bên đê sông Hồng, là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 2021, căn nhà cụ An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia.

Di sản của Bác trong căn nhà “Di tích lịch sử quốc gia” ở Hà Nội - ảnh 1
Ông Công Ngọc Dũng bên căn nhà di tích lịch sử.

Dấu ấn hai lần Bác Hồ về thăm

 Những ngày này, khi cả nước hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2023), khu di tích căn nhà cụ Nguyễn Thị An đón rất nhiều lượt khách đủ mọi lứa tuổi đến tham quan, tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Ông Công Ngọc Dũng (sinh năm 1962, con trai cụ Công Ngọc Kha, cháu nội cụ Nguyễn Thị An) xúc động nói: “Cứ đến những ngày này, tôi lại bồi hồi xúc động. Nhớ lại những câu chuyện mà bố tôi kể về hai lần Bác Hồ ghé thăm, nghỉ lại, tôi càng tự hào và luôn tâm niệm sẽ tăng cường bảo vệ tài sản của cha ông mình để lại, hết lòng gìn giữ những hình ảnh, hiện vật gắn với sự kiện cách mạng ở ngôi nhà này. Đó cũng là lời dạy của bà nội, bố tôi là cố gắng tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử của ngôi nhà, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ đối với thế hệ mai sau”.

Ông Dũng kể, cụ Nguyễn Thị An (1896-2000) quê ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1919, cụ về làm con dâu cụ tổng Công Văn Trường, là vợ của cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm - nổi tiếng về sự giàu có nhưng liêm khiết. Cụ An sinh được 4 người con, trong đó có 2 con trai là Công Ngọc Kha và Công Ngọc Thụ và 2 người con gái là Công Thị Tòng và Công Thị Thu. Cụ An và gia đình đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng trong suốt thời kỳ 1941-1945.

Cụ An hoạt động một thời gian thì vận động con trai là Công Ngọc Kha (SN 1922) tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ đưa mật thư cùng mẹ. Bằng cách gánh tơ, vải lên chợ Vẽ, chợ Bưởi bán, cụ giao mật thư hoặc truyền tin đến những cán bộ khác theo chỉ đạo của ông Hoàng Tùng và bà Sáu Mạc. Với vai trò là vợ chánh tổng và bằng sự khéo léo của mình, cụ An dễ dàng vượt qua sự khám hỏi, dò xét của địch, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Từ năm 1943, căn nhà cụ An trở thành nơi họp hành, trú ẩn của các cán bộ hoạt động ngay tại Phú Thượng, Phú Gia, Phú Xá, Thượng Thụy, Chèm… (thuộc quận 5 - Từ Liêm cũ, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội), trong đó, có đồng chí Hoàng Tùng. Nhận thấy sự giác ngộ hoàn toàn của nhà cụ An, sự an toàn của các đồng chí suốt 4 năm qua mà không bị phát hiện, đồng chí Hoàng Tùng đã tin tưởng và quyết định để Bác Hồ tá túc sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội trong 3 ngày, từ ngày 23-25/8/1945.

Theo bút tích của cụ Công Ngọc Kha, ngày 23/8/1945, trong đoàn từ chiến khu trở về, cụ Kha để ý thấy có một cụ ông đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm tóc hoa râm, chòm râu thưa, chân đi đôi giày vải người dân tộc, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen hình như vừa mới đi qua một trận ốm. Lúc đó, cụ Kha cũng đã đoán chắc đây là đồng chí thượng cấp. Đồng chí đó xem ra bận lắm, đang chăm chú điều gì đó vào cuốn sổ tay nhỏ. Những người ngồi trên chiếc giường bên phải thì trẻ hơn. Hành động và lời nói của họ hết sức nhẹ nhàng, trật tự và tỏ ra rất tôn kính đồng chí thượng cấp.

“Bố tôi kể, ấn tượng đặc biệt về “đồng chí thượng cấp” lúc đó là đôi mắt sáng, vầng trán cao, nhưng lúc ấy không ai biết đó là Bác Hồ. Những ngày ở đây, Bác vẫn ốm nên phải ăn cháo. Dù vậy, Bác vẫn chăm chỉ làm việc đến đêm khuya, sáng hôm sau đã dậy sớm ra trước ao tập thể dục. Nhiều người đến gặp Bác, sau này, bố tôi mới biết là ông Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng… từ nội thành về báo cáo kết quả Tổng khởi nghĩa năm 1945 và chuẩn bị cho ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945” - ông Dũng kể.

Ba ngày sau, Bác cùng một số người rời đi. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày độc lập 2/9, cả nhà cụ An hòa cùng đoàn người háo hức ra quảng trường để nghe vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đọc Tuyên ngôn độc lập. “Nhìn hình ảnh cụ Nguyễn Ái Quốc giống “cụ thượng cấp” từng ở nhà mình nhưng vẫn không nhận ra hai người là một. Mãi đến khi đội bảo vệ Bác ở chiến khu Việt Bắc nói, bà nội và bố tôi mới bất ngờ và xúc động vô cùng” - ông Dũng nhắc lại.

Sau ngày 2/9, Bác Hồ về thăm gia đình cụ An một lần nữa vào ngày 24/11/1946, sau khi Người dự Hội nghị Văn Hóa về. Trước tình hình thực dân Pháp gây hấn ở nhiều nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Chị gái ông Dũng - bà Công Thị Mai lúc đó 3 tuổi suốt ngày quấn quýt bên Bác, được Bác bế, kể chuyện và dạy học đếm, học hát. Chiều 24/11/1946, cũng tại căn nhà này, Bác Hồ triệu tập các cán bộ địa phương. Tại buổi gặp mặt, Bác rất vui và hỏi nhiều chuyện.

Cụ Kha ghi lại trong hồi ký rằng, lúc đó, điều mà Bác quan tâm và hỏi nhiều nhất là tình hình tổ chức đời sống, vệ sinh phòng bệnh, tình hình sản xuất địa phương - những điều mà cán bộ địa phương lúc đó chưa hề quan tâm đến. Sau này, dần dần, cụ Kha cũng hiểu ý Bác: Có chính quyền rồi, phải củng cố xây dựng chính quyền vững mạnh về mọi mặt. Muốn vậy phải tổ chức đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chứ không phải họp nhiều, mít tinh, diễn thuyết nhiều…

Di sản của Bác trong căn nhà “Di tích lịch sử quốc gia” ở Hà Nội - ảnh 2
Các Đảng viên và đoàn viên Chi đoàn (Hội LHPN Hà Nội) nghe chia sẻ về kỷ niệm của những ngày Bác Hồ ở, làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An rong hoạt động giáo dục truyền thống 

 “Địa chỉ đỏ” học tập và làm theo lời Bác

78 năm qua, gia đình cụ Nguyễn Thị An vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cố gắng giữ gìn truyền thống cách mạng mà ông cha đã để lại. Cụ Kha tham gia kháng chiến, bị giặc Pháp bắt vào năm 1952 và biệt giam ở Côn Đảo đến năm 1954 trao đổi tù binh, cụ Kha được thả về với chẳng chịt vết thương trên người. Con trai cụ Kha là ông Công Ngọc Chung nhập ngũ và hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, được truy tặng liệt sĩ.

Các thế hệ con, cháu cụ An đã cố gắng giữ gìn ngôi nhà lịch sử và dành một tình yêu thầm lặng đối với ngôi nhà này thông qua việc họ trân trọng và lưu giữ từng hiện vật, lưu giữ những ký ức về Bác Hồ, về cách mạng. Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay căn nhà cổ vẫn được duy tu. 14 hiện vật từng lưu lại dấu ấn về Bác được bảo tồn nguyên vẹn, từ cổng vào, nền gạch đến các hiện vật quan trọng như chiếc sập gỗ, chiếc trường kỷ nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi, chiếc phản mà đồng chí tháp tùng theo cạnh Bác (đồng chí Trần Đăng Ninh) nghỉ, cây hoa mộc trước cửa nhà.

Ông Dũng xúc động: “Việc trân trọng và lưu giữ từng hiện vật, những ký ức về Bác Hồ, về cách mạng là cách để gia đình tôi truyền tải thông điệp về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của gia đình và của quê hương Phú Thượng anh hùng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Di sản của Bác trong căn nhà “Di tích lịch sử quốc gia” ở Hà Nội - ảnh 3
Ông Công Ngọc Dũng bên kỷ vật nơi Bác Hồ đã từng làm việc.

Từ ngày căn nhà được công nhận là di tích lịch sử, ông Dũng rất vui. Dù mỗi ngày, ông phải bận rộn tiếp nhiều đoàn tham quan di tích hơn, nhưng cũng có nghĩa là tư tưởng và đạo đức về Bác vẫn luôn được thế hệ trẻ phát huy, gìn giữ. “Căn nhà trở thành nơi để các đoàn thể tham quan, tổ chức sự kiện, sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng của Bác; các doanh nghiệp sinh hoạt chính trị tư tưởng. Học sinh các trường và cha mẹ cũng cho con đến tham quan, để con hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. Hễ có ai đến, ông Dũng đều kể cho họ nghe câu chuyện về Bác Hồ qua từng hiện vật. “Đây không chỉ là niềm vui và niềm tự hào của gia đình ông mà còn là niềm tự hào của nhiều người dân địa phương, Việc công nhận di tích cấp quốc gia đối với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đúng giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà” - ông Dũng chia sẻ.

Hiện nay, gia đình ông Dũng có một cửa hàng kinh doanh, các con trai của ông đều đã tốt nghiệp đại học và thay bố mẹ quản lý cửa hàng. Dù điều kiện kinh tế khá giả, nhưng vợ chồng ông đều sống khá tiết kiệm, giản dị và chăm chỉ làm việc, làm gương cho con cháu. Hằng năm, vào ngày 23/8, gia đình ông lại tổ chức họp mặt, ôn lại những ký ức về 3 ngày đặc biệt đón Bác Hồ về thăm. Nếp sinh hoạt thường niên này chính là cách để mỗi thành viên trong gia đình đều được thấm đẫm những ký ức đẹp đẽ, từ đó thêm tự hào và vinh dự về truyền thống gia đình và tiếp nối thế hệ đi trước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục