Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (NN&MT).

Từ một quốc gia sản xuất không đủ cho nhu cầu nội địa, đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đạt trên 62 tỷ USD vào năm 2024, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường bền vững. Đạt được kết quả trên, có đóng góp quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết - ảnh 1

Đến nay, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và môi trường như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, khoáng sản, môi trường, đất đai, đo đạc bản đồ, viễn thám…

Chỉ tính từ năm 2021 - 2025, tổng cộng có 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KHCN đã và đang được triển khai. Nhiều nhiệm vụ KHCN tạo ra sản phẩm cuối cùng và được cơ quan thẩm quyền chấp nhận, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, phục vụ công tác quản lý, đóng góp vào tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30%.

Các sản phẩm KHCN là cơ sở để xây dựng các dự án luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; làm luận cứ phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tạo ra các giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích, quy trình công nghệ...

Về chuyển giao, ứng dụng KHCN, 5 năm qua, ngành NN&MT đã thực hiện được khoảng 1.000 mô hình trình diễn với nội dung và quy mô phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đi đôi với đó là phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển cộng đồng, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ năm 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo triển khai 35 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”.

Kết quả nổi bật là cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực đất đai, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, viễn thám; cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá; ứng dụng trong quản lý, khai thác hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung; giải pháp trí tuệ nhân tạo cho cảnh báo thiên tai, lũ lụt; ứng dụng kiểm kê phát thải; giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo động đất; xử lý ảnh trong quan trắc mực nước thủy văn; cấp phép trực tuyến; quản lý sản xuất, chỉ đạo điều hành, cảnh báo dịch bệnh...

Tại hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này. Cùng thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành NN&MT...

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. 

Trong bối cảnh đó, nông nghiệp và môi trường - hai lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được được xác định là những “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá. Mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp... đang không còn phù hợp.

Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết. Và muốn thay đổi cục diện, bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy KHCN và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, thời gian qua, ngành NN&MT đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu “đột phá phát triển” như tinh thần Nghị quyết 57, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trong Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, Bộ sẽ tập trung triển khai 5 giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá.

Giải pháp đầu tiên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong cách lĩnh vực của ngành, không chỉ ở khu vực công mà cả ở khu vực tư.

Thứ nữa, cần sắp xếp, kiện toàn các tổ chức KHCN trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài, dự án KHCN hàng năm với yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực của ngành.

Tiến tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ lựa chọn để triển khai một số đề tài, dự án KHCN trọng điểm của ngành, trong đó ưu tiên cho công nghệ sinh học, công nghệ gen để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực của ngành. Quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực KHCN, trong đó nghiên cứu cơ chế khuyến khích, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ để huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ tập trung chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành, tạo tiền đề để đổi mới toàn diện phương thức quản lý từ hoạch định chính sách đến chỉ đạo điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, hướng đến tăng trưởng nông nghiệp xanh, bền vững.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP đã ban hành Văn bản số 04/CV-HĐ về đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chúc mừng Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chúc mừng Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, dương lịch 2025, ngày 10/5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đến thăm, chúc mừng Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.