Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô

TS.Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, và mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 15).

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. 

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô - ảnh 1
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, có nhiều quy định sẽ mở đường phát triển ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội. Ảnh: PV

Điểm nhấn Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị

Nghị quyết số 15 không chỉ thể hiện sự nhất quán và tiếp nối tinh thần các nghị quyết trước, mà còn bổ sung nhiều định hướng, chủ trương lớn, yêu cầu nhiệm vụ mới và cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn cho Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Đặc biệt, nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, theo đó: 

Bác Hồ từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần”. 

Nâng cao nhận thức về xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội. 

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Hỗ trợ phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường. Xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô.

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô - ảnh 2
Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: VGP

Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - công nghệ cao và các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghiệp văn hoá, du lịch; phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc. Phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 Có cơ chế phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô; phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị trong nước và thế giới. Thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế; tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. 

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô - ảnh 3
Năm 2016, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội được tạp chí Business Insider (Mỹ) bình chọn là một trong 36 bảo tàng đẹp nhất thế giới.

Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá, là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thủ đô; giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội. 

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hoà, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô và đô thị thông minh; phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh. 

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô - ảnh 4
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn.  Ảnh: VGP/GH

Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng… Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới…

Với tinh thần đó, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là cơ sở để hoàn chỉnh hệ thống Luật Thủ đô, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô với mục tiêu cao nhất xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". 
Luật Thủ đô và sự phân cấp mạnh mẽ
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 sáng 28/6, với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô - ảnh 5
Cầu Nhật Tân - cây cầu treo dài nhất Việt Nam, không chỉ là một công trình giao thông quan trọng, mà còn là một biểu tượng kiến trúc mang vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội.

Trong Luật Thủ đô mới có tới hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền, với hai nhóm cơ chế chính sách có hiệu lực từ 1/1/2025 và từ 1/7/2025; trong đó, nổi lên 2 vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đột phá trong cả nhận thức và thể chế về đầu tư trên địa bàn Thủ đô, cụ thể: 

Theo Điều 36: Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước: Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách Thành phố, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn. Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Theo Điều 37: Thẩm quyền về đầu tư: Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô; quyết định chủ trương đầu tư đối với các đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố, gồm: Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư (trừ dự án quy định tại điểm a khoản này và các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ).

 Với Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội được phép lập Quỹ đầu tư  mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Nếu được thiết kế tốt và có quy mô đủ lớn, được vận hành nghiêm túc và chuyên nghiệp, thì đây  sẽ là công cụ mới đầy sức mạnh và hiệu quả được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong dùng NSNN đầu tư mồi, tạo tác động lan toả phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh mới trên địa bàn Thủ đô.

Với sự phân cấp mạnh về thẩm quyền đầu tư không giới hạn quy mô vốn với các dự án không dùng vốn NSNN và được nhận uỷ quyền cho phép quyết định đầu tư các dự án dùng vốn NSNN thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ, với điều kiện không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài... thì thực sự Hà Nội đã có trong tay bộ công cụ rất mạnh để tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô.

Với những nội dung phân cấp, phân quyền mới mang tính đột phá, Luật Thủ đô là minh chứng mới nhất và bền vững cho lòng tin yêu, sự tin cậy và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả nước với Thủ đô. Thực hiện tốt Luật Thủ đô vừa là quyền lợi to lớn, vừa là trách nhiệm cao cả của Thành phố Hà Nội và cả nước .

Về tổng thể, có thể nói,  Nghị quyết số 15 và  Luật Thủ đô cùng Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đã soi rọi hướng đi, thổi luồng sinh khí linh thiêng vào tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước. Xác lập nền tảng quan trọng và tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, cộng hưởng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, tạo nhiều kỳ vọng lớn lao cho công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội theo "tầm nhìn mới - tư duy mới”, "cơ hội mới - giá trị mới" để từng bước trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Thành phố Thông minh”, “Thành phố sáng tạo”, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển và hiện thực hoá khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ tịch!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

(PNTĐ) - Ngày 9/10/2024, Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội tổ chức bàn giao công trình “Hỗ trợ thiết bị thể dục thể thao cho sân chơi cộng đồng”; tặng quà cho hội viên phụ nữ công giáo có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Đây cũng là hoạt động thiết thực của Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, 70 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội.
Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những Thành phố năng động trên thế giới. Một trong những động lực làm nên thành công là Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hình thành môi trường phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới

(PNTĐ) - Hà Nội không chỉ nổi bật với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước mà còn tiên phong trong nhiều lĩnh vực phát triển bền vững. Trong đó, công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh, và xóa đói giảm nghèo là những lĩnh vực được chú trọng và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Vị thế mới, tầm vóc mới sau 70 năm ngày giải phóng

Vị thế mới, tầm vóc mới sau 70 năm ngày giải phóng

(PNTĐ) - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Bởi vậy, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh trật tự, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước”.