Dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 2/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì.

Dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới - ảnh 1
Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo

Tham dự họp báo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam; Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An; Đại diện vụ Tổ chức biên chế, Vụ Tiền lương Bộ Nội vụ.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Hôm nay (ngày 2/3), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 năm 2024 nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt các xung đột ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đe dọa an ninh năng lượng, lương thực. Trong nước, tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó bảo đảm nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết theo Chỉ thị của Ban Bí thư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế (ban hành 17 nghị định, 1 quyết định quy phạm); ban hành 7 chỉ thị, 4 công điện và tập trung đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết; thúc đẩy các công trình hạ tầng (dự án Đường dây tải điện 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối, các dự án giao thông quan trọng…).

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: (i) Nông nghiệp phát triển ổn định. (ii) Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). (iii) Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm (tháng 1 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD. Thu NSNN 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912.000 tấn, kim ngạch 639 triệu USD); bảo đảm được cân đối cung cầu lao động.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển KTXH của đất nước tăng lên.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 DN thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 DN hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số DN gia nhập thị trường lên hơn 41 .000 DN, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong tháng 2, có 94,2% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2023 (93,9%).

Nhân dân cả nước, mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết. Tổng số tiền hỗ trợ nhân dân đón Tết đạt gần 20 nghìn tỷ đồng; trong đó đã xuất gạo dự trữ 17.700 tấn gạo cho 693.000 nhân khẩu dịp Tết, giáp hạt; tặng quà Tết cho người có công khoảng 2.745 tỷ đồng; tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 7,8 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chăm lo, hỗ trợ nhân dân đón Tết khi điều kiện còn nhiều khó khăn.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam, trong đó IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới - ảnh 2
Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: (1) Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; (2) Tình hình SXKD trong một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; (3) Khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm; (4) Nợ xấu có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao; (5) An ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, nhưng tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

Kết luận phiên họp, trên cở sở nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đúc kết và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành là:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Từng Bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các nhiệm vụ của tháng 3, quý I gắn với nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả.

Từ quan điểm, định hướng điều hành, Thủ tướng đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng...

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng ngày 17/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo Đại hội. Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Hà Nội: Biểu dương 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024

Hà Nội: Biểu dương 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024

(PNTĐ) - Danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu là giải thưởng thường niên được Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội trao tặng cho phụ nữ Hà Nội có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực, vì cuộc sống cộng đồng. Năm 2024, Hội LHPN Hà Nội đã xét chọn vinh danh 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, đồng thời trình Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố tặng bằng Khen của Chủ tịch UBND Thành phố.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị UBND thành phố tập trung giải quyết 26 vấn đề

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị UBND thành phố tập trung giải quyết 26 vấn đề

(PNTĐ) - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị UBND Thành phố tập trung giải quyết 26 vấn đề tổng hợp từ các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các đại biểu Quốc hội; tiếp thu, giải quyết các ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại hội nghị.
Thi đua làm nhiều việc tốt, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch”

Thi đua làm nhiều việc tốt, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch”

(PNTĐ) - Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Thành phố đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục thi đua làm nhiều việc tốt từ những công việc nhỏ hàng ngày, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch”, là những người công dân có trách nhiệm, góp phần tích cực xây dựng Thủ đô thân yêu văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc.