Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 11/8, đoàn công tác Tổng cục Quản lý thị trường do Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh làm trưởng đoàn đã đi khảo sát nắm bắt tình hình giá cả, thị trường theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Công điện 4624/CĐ-BCT về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 1

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh - Trưởng đoàn công tác khảo sát nắm tình hình thị trường hàng hóa tại Chợ Bầu, Phủ Lý, Hà Nam (ảnh Quyên Hạnh)

Đoàn công tác làm việc tại Hà Nam, tại Nhà máy, Công ty TNHH Masan Hà Nam, lý giải về giá xăng dầu đã giảm mà giá thịt heo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Quý Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Nhà máy, cho biết, từ Tết đến nay, giá heo nhập về Công ty tăng từ 50.000-51.000đ/kg lên 67.000-68.000đ/kg heo hơi chỉ sau 7 tháng. Bởi các trại nuôi giống chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên hạn chế lượng heo đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.

Đồng thời, tâm lý nhiều người muốn ghìm hàng chờ giá tăng mới cho heo xuất chuồng. Khoảng 3 tháng gần đây, giá thịt heo từ Trung Quốc cũng tăng, vì vậy nhu cầu xuất heo sang Trung Quốc tăng, nên nguồn cung trong nước cũng bị ảnh hưởng phần nào…

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 2
Đoàn công tác làm việc tại Nhà máy thuộc Công ty TNHH Masan Hà Nam (Ảnh Quyên Hạnh)

Cũng theo ông Quý, những Công ty lớn như Masan, luôn có sự chuẩn bị nguồn cung ổn định. Công ty cũng cố gắng tối ưu hóa các chi phí trong quy trình sản xuất, đồng thời, kết hợp với các chương trình khuyến mại để đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý nhất.

Tại Chợ Bầu (Phủ Lý, Hà Nam), Đoàn công tác của Tổng cục QLTT và Cục QLTT tỉnh Hà Nam ghi nhận tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại chợ. Qua khảo sát và chia sẻ của nhiều tiểu thương, giá thịt heo đã giảm so với những ngày trước đó, tuy nhiên giá vẫn đắt hơn so với đầu năm bởi, giá đầu vào vẫn còn rất cao.

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 3

Bảng niêm yết giá của tiểu thương tại tại Chợ Bầu, Phủ Lý, Hà Nam (ảnh Quyên Hạnh)

Bảng niêm yết đặt ở mỗi sạp kinh doanh thịt lợn tại khu vực Chợ Bầu ngày 11/8, thịt ba chỉ có giá 130.000đ/kg, thịt nạc vai 125.000đ/kg, thịt mông 100.000đ/kg, xương sườn 125.000đ/kg…

Chị Phạm Thị Minh Khuyên - tiểu thương kinh doanh thịt heo tại Chợ Bầu cho hay: "Giờ giá cả phải niêm yết công khai như giá ở các siêu thị để bà con theo dõi". Còn ghị Vũ Thị Vân, tiểu thương ở đây cho biết, giá cả thịt bò ít biến động hơn trung bình từ 220.000 - 290.000 đồng/kg tùy loại.

Người mua hàng, bà Phan Thị Thanh Hà (65 tuổi, cư dân sống gần Chợ Bầu) chia sẻ, thời gian gần đây giá thịt heo tăng cao, chúng tôi đi chợ thấy lực lượng chức năng đi tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu các hộ niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, chúng tôi thấy yên tâm hơn. Hy vọng, trong thời gian tới, giá cả thị trường mặt hàng thịt ổn định hoặc giảm hơn để chúng tôi dễ chi tiêu và tiết kiệm hơn.

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 4

Đoàn công tác làm việc tại 2 Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Thịnh 1, 2 thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Dịch vụ Thương mại Tân Thịnh, tỉnh Hà Nam (ảnh Quyên Hạnh)

Tại Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Thịnh 1, 2 thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Dịch vụ Thương mại Tân Thịnh (Xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Sơn cho biết, do đường cao tốc có lượng xe di chuyển lớn, nhu cầu đổ xăng cao nên Công ty luôn cố gắng đảm bảo nguồn cung, ngay cả thời điểm khan hiếm hàng vẫn duy trì đủ.

Giám đốc khẳng định: “Chúng tôi có kho bể ngay đây, lượng dự trữ lớn nên luôn đảm bảo đủ cung trong mọi tình huống”.

Theo ông Sơn, từ Tết đến thời điểm hiện tại, tình hình cung ứng tại 2 cửa hàng xăng dầu vẫn đáp ứng đủ, tình hình kinh doanh của cửa hàng cũng khá ổn định, chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu xăng. 2 cửa hàng xăng dầu của Công ty có vị trí khá thuận tiện, nằm trên trục đường cao tốc nên các ô tô ra vào đổ xăng liên tục, cung cấp khoảng 2.000 lít mỗi ngày.

Khảo sát tình hình thị trường tại địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Cửa hàng Nông sản Linh Mận, anh Vũ Mạnh Linh - chủ cửa hàng cho biết, ở đây bán buôn là chính, chủ yếu là sản phẩm đỗ, lạc, mì, miến, mộc nhĩ, gạo… Theo anh Linh, gần đây, tình hình kinh doanh có chậm hơn, giá không thay đổi, cũng không chịu biến động của thị trường.

Các mặt hàng đường sữa, bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt… tại Cửa hàng Nghĩa Mận (Khu Phố Mới, Tân Thịnh, Thổ Tang), giá cả vẫn ổn định. Theo chủ cửa hàng, các sản phẩm này chủ yếu phân phối trong tỉnh, hoặc sang Việt Trì (Phú Thọ). Toàn bộ các sản phẩm là hàng của các Công ty sản xuất tại Việt Nam, giá cả không thay đổi trong thời gian vừa qua.

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 5
Đoàn công tác Tổng cục QLTT  làm việc với Công ty Việt Pháp (ảnh Quyên Hạnh)

Đại diện Công ty Việt Pháp (một trong những đơn vị cung cấp mặt hàng thức ăn chăn nuôi lớn của Vĩnh Phúc và cả nước) cho biết, thức ăn chăn nuôi là mặt hàng có diễn biến thất thường theo tình hình thị trường. Nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng này thay đổi là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong những năm gần đây.

Giá xăng dầu đã giảm, vì sao giá thịt heo chưa giảm?  - ảnh 6
Đoàn công tác Tổng cục QLTT  làm việc với Công ty Việt Pháp (ảnh Quyên Hạnh)

Cụ thể, giá ngô và khô đậu (được nhập từ Nam Mỹ và Mỹ). So với thời điểm cuối năm 2020, giá 2 loại nguyên liệu này đã tăng khoảng 200%. Trong khi đó, giá sản phẩm thành phẩm ra thị trường không được tăng giá. Đây cũng là bài toán khó của Công ty.

Ông Khổng Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT công ty bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp chân chính, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm của những doanh nghiệp cố tình có hành vi gian lận thương mại, từ đó, trả lại môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh hơn.

 

Tin cùng chuyên mục