Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/11, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Thanh Xuân, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Thanh Xuân tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động”.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 1
Các đại biểu tham dự đối thoại

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng thành công Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời, nhằm mang đến cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận những thông tin liên quan về chế độ, chính sách và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có: Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu; ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng phòng Báo chí xuất bản, Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội.

Tham gia đối thoại có các chuyên gia: Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga.

Đặc biệt tham dự của hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) quận Thanh Xuân.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 2
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh: “Với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của mình, trong nhiều năm qua, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến dành cho người lao động. Cuộc giao lưu hôm nay tại quận Thanh Xuân là cuộc thứ 18 được chúng tôi tổ chức kể từ tháng 5 tới nay.

Đồng hành với chúng tôi là các luật sư, chuyên gia về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và y tế. Ban tổ chức hy vọng và mong muốn các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đang có mặt ở hội trường hãy chia sẻ cởi mở các vấn đề của mình. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp, tư vấn cụ thể, thấu đáo cả về chế độ chính sách và kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 3
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu phát biểu

Biểu dương, đánh giá cao ý nghĩa của buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân phối hợp tổ chức, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho rằng: Nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… và nhu cầu cập nhật kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình của người lao động ngày càng cao.

Tổ chức Công đoàn cũng đã và đang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung này để giúp đoàn viên, người lao động có thể tự chăm sóc bản thân và tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động.

Đối với đoàn viên, người lao động, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố mong muốn không chỉ qua những chương trình như thế này mà trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, nếu bản thân gặp khó khăn, vướng mắc hãy đến gặp Công đoàn mà gần nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở để Công đoàn cùng đồng hành, sẻ chia, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác và lao động sản xuất.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 4
Các chuyên gia giải đáp câu hỏi của người lao động

Chị Nguyễn Thị Hà (Công ty cổ phần Ffintech) hỏi: Hiện tại công ty tôi số lượng lao động đông, mùa du lịch người lao động hay xin nghỉ không lương. Xin cho biết, trong 1 tháng người lao động được nghỉ không lương tối thiểu và tối đa bao nhiêu ngày. Những ngày nghỉ không lương có phải đóng BHXH không? Trong 1 tháng người lao động có thể xin nghỉ không lương tối thiểu và tối đa bao nhiêu ngày, những ngày nghỉ này có được đóng BHXH không?

Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết:Trong quy định của Bộ luật Lao động không có quy định cụ thể nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày/tháng mà căn cứ vào thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Nếu là nghỉ phép mới có quy định tối đa là nghỉ bao nhiêu ngày trong năm.

Về việc đóng bảo hiểm, nếu bạn đi làm, hưởng lương và tiền công thì mới đóng BHXH. Nếu không đi làm, không hưởng tiền lương, tiền công thì không cần đóng BHXH. Tuy nhiên, bạn lưu ý, nếu 1 tháng mà nghỉ 14 ngày không lương thì không cần đóng BHXH.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 5
Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi

Chị Trần Thị Linh (Cục dự trữ nhà nước khu vực Hà Nội) đặt câu hỏi: Trường hợp cơ quan tôi có công chức sinh con thứ 3 thì xử lý như thế nào? Cơ quan tôi có thực hiện ký hợp lao động cho tạp vụ. Đối với vị trí này các chế độ như nghỉ phép, hưởng lương trong thời gian nghỉ phép, chế độ khám sức khỏe như thế nào? Với những trường hợp được khen thưởng để xét nâng lương, nếu trường hợp được khen thưởng chuyên đề đột xuất có được tính nâng lương trước hạn không hay dựa vào thành tích công tác cả năm.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 6
Người lao động hỏi các chuyên gia

Chuyên gia Vũ Minh Huyền trả lời: Trong Luật Cán bộ công chức, viên chức và tại Nghị định 112 về xem xét kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức không có quy định rõ ràng việc sinh con thứ 3 phải xem xét xử lý kỷ luật, vì không có quy định cụ thể nên chủ yếu các đơn vị áp dụng khi thực hiện đối với đảng viên. Nếu công chức, viên chức đó là đảng viên thì phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đảng viên. Nếu trong Thỏa ước lao động tập thể có nội dung nếu sinh con thứ 3 phải xem xét kỷ luật thì sẽ phải thực hiện theo Thỏa ước lao động. Như vậy khi muốn xem xét thực hiện kỷ luật thì cần phải xem xét tất cả các yếu tố: Quy định pháp luật, Thỏa ước lao động tập thể…

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho 200 người lao động quận Thanh Xuân - ảnh 7
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia

Theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ hướng dẫn đối với tạp vụ đây là vị trí công việc hỗ trợ phục vụ nên đơn vị có thể áp dụng một trong hai hình thức ký Hợp đồng lao động.

Thứ nhất, áp dụng bảng lương như đối với công chức, viên chức ở bảng lương số 4 về các vị trí hỗ trợ.

Thứ hai có thể thực hiện áp dụng trả lương theo mức lương tối thiểu vùng, trả lương thế nào sẽ căn cứ khả năng tài chính của đơn vị và thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối với quy định Bộ Luật Lao động, khi người thực hiện chế độ Hợp đồng lao động vẫn có một số ngày nghỉ phép, nghỉ hưởng nguyên lương. Còn về khám sức khỏe định kỳ tính theo Bảo hiểm y tế, do đề xuất của Công đoàn để cơ quan phối hợp hỗ trợ.

Với những trường hợp được khen thưởng để xét nâng lương, Thông tư 8 của Bộ Nội vụ hướng dẫn, Quyết định 21 của Thành phố Hà Nội hướng dẫn về nội dung này. Những trường hợp khen thưởng đột xuất, theo giai đoạn của cấp có thẩm quyền như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, của Bộ trưởng đều được xem xét là một trong những điều kiện cần để xem xét nâng bậc lương trước thời hạn.

 

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.