Giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại kỳ họp thứ 9, chiều 20/9, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đều tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trong dự thảo.

Cần quy định để có sự phân hóa mạnh hơn, nghiêm khắc hơn với 7 nhóm tội phạm nguy hiểm

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, có 7 nhóm tội phạm cần ưu tiên đấu tranh, gồm: Kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại (an toàn thực phẩm, hàng giả), sử dụng công nghệ cao, môi trường, ma túy.

Giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình - ảnh 1
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) (ảnh Phạm Thắng)

Vì thế, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi các quy định để có sự phân hóa mạnh hơn, nghiêm khắc hơn với 7 nhóm tội phạm nguy hiểm này, trong khi có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn đối với các nhóm tội phạm khác.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tăng mức hình phạt bằng tiền lên gấp đôi với các nhóm tội phạm là chưa hợp lý, không phân hóa được các nhóm tội phạm, nhất là 7 nhóm tội phạm nguy hiểm trên. “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thể hiện rõ nội dung phân hóa các nhóm tội phạm này”, đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, việc có nên bỏ hình phạt tử hình của 7 nhóm tội phạm nguy hiểm trên hay không; nếu tiếp tục ưu tiên chống nhóm này thì không nên bỏ.

Đại biểu cũng đồng tình với chủ trương nghiên cứu giảm bớt tội danh áp dụng hình phạt tử hình sang hình phạt tù, nếu thực hiện thì sẽ giảm cả việc thi hành án tử hình. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi lại chỉ “gói” việc hoãn thi hành án tử hình với 2 đối tượng là tử tù bị ung thư và mắc HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.

Theo đại biểu, còn nhiều bệnh hiểm nghèo được xếp tương đương như suy tim độ 3, suy thận độ 4, lao độ 4 kháng thuốc… nhưng lại không được xếp vào nhóm không thi hành án tử hình. Sao chúng ta không mở rộng đối tượng này để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và bảo đảm tính nhân văn.

Giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình - ảnh 2
Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) góp ý.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) đồng quan điểm về việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trong dự thảo, bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án ở các tội bỏ hình phạt tử hình, bổ sung quy định không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, HIV giai đoạn AIDS.

Đại biểu dẫn chứng, trên thế giới có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, 28 quốc gia còn có quy định nhưng trên thực tế không áp dụng, 8 quốc gia đã xóa bỏ trên thực tế nhưng sẽ áp dụng trong vài trường hợp bất khả kháng (như tội phạm chiến tranh); còn 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình và thi hành án tử hình, trong đó có Việt Nam.

Đại biểu cho rằng, tình hình hiện nay chưa phải thời điểm Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình, song cần hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình thông qua việc giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình, bổ sung chế định tù chung thân không xét giảm án... Điều này phù hợp với xu hướng tất yếu và yêu cầu chung của thế giới, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Thông qua ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Thông qua ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

(PNTĐ) - Sáng 21/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100%.