Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với xoá bỏ thuế khoán

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 20/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, Nghị quyết 68 - NQ/TW đã yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Trong khi đó, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5.000.000 hộ kinh doanh và hơn 940.000 doanh nghiệp, tức là hộ kinh doanh đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo Luật đều chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh.

Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với xoá bỏ thuế khoán - ảnh 1
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, tình trạng số lượng hộ kinh doanh vẫn tăng đều qua các năm từ Luật Doanh nghiệp năm 2005 đến nay là do mô hình này đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, quản lý không chặt chẽ về chứng từ kế toán. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính của hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với mô hình doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng ngay chính trong khu vực kinh tế tư nhân.

Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng, nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỷ đồng chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp.

Theo đại biểu, một vấn đề còn vướng mắc rất lớn nữa là Luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn duy trì mô hình doanh nghiệp tư nhân, một loại hình kinh doanh do một cá nhân làm chủ chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình và không có tư cách pháp nhân. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được phân chia thành hai nhóm doanh nghiệp có tư cách pháp nhân gọi chung là công ty, doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68 - NQ/TW; ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời, để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, dự thảo Luật cần được thiết kế theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán bảo đảm công bằng và minh bạch.

Đại biểu cũng đề nghị, tách riêng quy định về doanh nghiệp tư nhân khỏi Luật doanh nghiệp đổi tên thành Luật công ty để tránh áp dụng chung một khung pháp lý cho hai mô hình hoàn toàn khác biệt về tư cách pháp nhân và trách nhiệm tài sản. 

“Đây chính là thời điểm đặc biệt quan trọng, là cơ hội vàng để hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, minh bạch và bình đẳng”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nên từ 3,5 - 4 lần

Về kiểm soát gian lận vốn ảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay bổ sung trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức là không tiền kiểm đối với vấn đề này.

Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với xoá bỏ thuế khoán - ảnh 2
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thảo luận.

Theo đại biểu, thực tiễn Luật Doanh nghiệp gần ba thập kỷ qua đã chứng minh là việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện và dễ dàng là một trong những điều kiện vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân.

Thay vào đó cơ quan Nhà nước tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, chứ không phải là kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Theo đó, cơ quan Nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro; đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.

Biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này được áp dụng trong ngành thuế và hải quan trong những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích, rất hiệu quả và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng, tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm soát tra cao cấp rủi ro.

Về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ trên hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, dự thảo Luật đã quy định dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, nếu quy định định cứng tỉ lệ này trong luật sẽ gây khó cho Chính phủ khi soạn thảo các quy định khác về phát hành chứng khoán riêng lẻ.

Vấn đề hệ số nợ bao nhiêu phụ thuộc vào các quy định pháp lý khác về quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ, thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao. Ngược lại, nếu các quy định khác được nới lỏng thì có khi lại cần siết hệ số nợ này.

Đại biểu đề nghị, cần giao Chính phủ quyết định về điều kiện hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu với những doanh nghiệp xin phát hành trái phiếu riêng lẻ. “Điều này cũng đúng tinh thần soạn thảo pháp luật mới, tức là Quốc hội không quyết định các vấn đề chưa ổn định mà cần điều chỉnh linh hoạt, phụ thuộc vào thực tiễn”, đại biểu nhấn mạnh.

Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với xoá bỏ thuế khoán - ảnh 3
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) thảo luận.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) tán thành việc quy định ngay trong dự thảo Luật về hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhằm kiểm soát mức phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp, bảo đảm việc này không quá mức tài sản vốn có của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa quy định phù hợp hơn về xác định hệ số nợ phải trả gấp bao nhiêu lần so với vốn chủ sở hữu. Bởi, nếu thực hiện theo đề xuất của cơ quan soạn thảo thì khi cộng với nguồn vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản sẽ tương đương 83,3%. Khi đó, hệ số vốn chủ là còn 16,7% - mức rất rủi ro nếu xét về an toàn rủi ro với vốn doanh nghiệp.

Mặt khác, đại biểu chỉ rõ, nợ phải trả của doanh nghiệp thường được trả bằng vốn ngắn hạn, song phần lớn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu đều có kỳ hạn dài. Như vậy, các tài sản để bảo đảm cho phát hành trái phiếu riêng lẻ hay trái phiếu của doanh nghiệp sẽ khó có tính thanh khoản.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, việc xác định hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu doanh nghiệp cần dựa theo quy mô, loại hình doanh nghiệp, cũng như theo lĩnh vực hoạt động và mục đích vay vốn để có điều chỉnh phù hợp. Đại biểu cũng đề xuất, dự thảo Luật cần quy định hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ 3,5 - 4 lần.

Tin cùng chuyên mục

Báo chí Thủ đô trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

Báo chí Thủ đô trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

(PNTĐ) - Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Trong suốt hành trình ấy, báo chí Thủ đô Hà Nội đã khẳng định vị trí tiên phong, bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng vai trò “ngòi bút sắc bén” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ các hộ kinh doanh khi bãi bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026

Chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ các hộ kinh doanh khi bãi bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026

(PNTĐ) - Trả lời chất vấn của đại biểu về việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết của Đảng và Nhà nước. Bộ Tài chính đang chuẩn bị đồng bộ các điều kiện pháp lý và công nghệ để hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thuận lợi, giảm thiểu gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính.
Báo chí và sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên mới

Báo chí và sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi khát vọng vươn cao, hội nhập và thịnh vượng trở thành mục tiêu xuyên suốt. Xuyên suốt hành trình ấy, vai trò tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, văn hóa không chỉ được khẳng định mà còn trở nên cấp thiết với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn. Báo chí không chỉ đơn thuần là công cụ phản ánh hiện thực, mà phải thực sự là lực lượng xung kích, đi trước một bước, chủ động định hướng, dẫn dắt, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn về 5 vấn đề

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn về 5 vấn đề

(PNTĐ) - Sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn 5 vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, bao gồm các giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI, cơ chế chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế...