“Gỡ khó” cho kinh tế báo chí
(PNTĐ) - Làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

5 “điểm nghẽn” của kinh tế báo chí
Vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Thời gian qua, cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải thoả đáng để có thể “gỡ khó” cho bài toán kinh tế báo chí hiện nay.
Những năm gần đây, doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Để “gỡ khó” cho bài toán kinh tế báo chí, đã có nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được “niệm chú” nới bỏ.
Tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 14/6, TS Bùi Chí Trung cho rằng, có 5 “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam, đó là: “Điểm nghẽn” trong nhận thức; “điểm nghẽn” giữa mục tiêu phát triển kinh tế báo chí với các nguyên tắc hoạt động báo chí - truyền thông; “điểm nghẽn” giữa bùng nổ kỹ thuật và công nghệ, giữa nhu cầu hưởng thụ của công chúng với khả năng đáp ứng thực tế của hệ thống báo chí - truyền thông; “điểm nghẽn” trong việc hài hòa mối quan hệ lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển nền báo chí - truyền thông đặc thù Việt Nam; “điểm nghẽn” trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
Theo TS Bùi Chí Trung, hiện nay, còn “điểm vênh” trong quan điểm, nhận thức của cơ quan chủ quản, đó là cho bộ máy báo chí “tự chủ” hay “tự bơi”, phó mặc cho cơ quan báo chí tự trang trải, vật lộn với thị trường trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của đơn vị, tổ chức của mình. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, để cho báo chí tự chủ, “tự bơi”, chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc, bồi dưỡng cho nguồn cán bộ, nhân viên.
Giải pháp nào để “gỡ khó”?
Tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, nhiều ý kiến tham luận, trao đổi đều cho rằng giải pháp để “gỡ khó” cho bài toán kinh tế báo chí trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm hiện nay là phải đa dạng hóa các nguồn thu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông hiện nay trên thế giới. Đó là, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in. Về quảng cáo, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm báo in giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.
Bàn đến giải pháp, theo ông Lê Quốc Minh, xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang thực hiện là đa dạng hóa nguồn thu. Đó là tạo nguồn thu từ quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu…
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị lại cho rằng, quảng cáo số là “phao cứu sinh” của báo chí. Hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh đến doanh thu của cơ quan báo, đài. Vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó trưởng ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra mô hình “Báo chí là hàng hóa công”. Đây là mô hình được nhiều tổ chức và chuyên gia truyền thông ủng hộ, kêu gọi toàn xã hội tăng cường hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, kêu gọi tăng cường nguồn viện trợ từ các nhà tài trợ cũng như đóng góp thiện nguyện cho các hoạt động sản xuất tin tức. Tất cả nhằm đảm bảo rằng báo chí có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả như một dịch vụ công.
Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, ở các quốc gia có cơ quan phát thanh truyền hình công, các cơ quan này thường được hỗ trợ bởi ngân sách công. Ví dụ, Đài Truyền hình công của Nhật Bản NHK hoạt động nhờ nguồn thu phí hàng năm từ người xem. Để bảo đảm rằng NHK nhận đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là Đài truyền hình quốc gia, Luật Phát thanh-truyền hình của nước này đưa ra các điều khoản quy định bất kỳ ai có thiết bị có thể xem các chương trình phát sóng của NHK đều phải trả khoản phí này.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung-cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp chính sách, tuyên truyền. Vì thế cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
TS Bùi Chí Trung lại cho rằng: “Để báo chí làm tốt được chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Chúng ta cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế tạo hành lang cho các cơ quan báo chí hoạt động”.
Không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, lâu nay, kinh tế báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm hơn 60%, thậm chí đối với một số cơ quan báo chí là hơn 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước. Hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Trong lĩnh vực báo chí, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh.