Hà Nội ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết
(PNTĐ) - Số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội ghi nhận trong tuần (từ 20/10 - 27/10) giảm gần 200 trường hợp so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao và một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân.
Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 20 đến 27/10 trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã.
Toàn Thành phố hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Trong đó các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Thanh Oai (247 ca), Hà Đông (222 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Trì (168 ca), Hoàng Mai (146 ca), Thanh Xuân (144 ca), Chương Mỹ (142 ca).
Tuần qua cũng ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã (giảm 13 ổ dịch so với tuần trước đó). Có một số địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch, đứng đầu là Nam Từ Liêm và Đống Đa với 15 ổ dịch, tiếp đến là Thanh Oai có 11 ổ dịch, Hà Đông 8 ổ dịch, Chương Mỹ và Hoàn Kiếm có 7 ổ dịch… Vì vậy, thời gian tới vẫn cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đến người dân.
Chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều người chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Người dân không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.