Diễn đàn“Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”:
Thúc đẩy tiêu dùng xanh trong cộng động, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn
(PNTĐ) - Sáng 6/11/2024, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội), Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Diễn đàn“Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin các hoạt động thực tiễn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mai tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”. Đây là hoạt động cụ thể hóa Chương trình phối hợp tuyên truyền về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027 của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN Việt Nam, đồng thời là diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin các hoạt động thực tiễn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong những năm qua, với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế- xã hội, vấn đề chất thải rắn sinh hoạt đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng gần 68 nghìn tấn, riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng hơn 38 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng gần 28 nghìn tấn/ngày; khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông và hơn 80% số túi ni lông đó bị thải bỏ chỉ sau một lần dùng. Đáng chú ý, 70% chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt, vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nước, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể gây lãng phí một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt có thể tái chế, tái sử dụng do người dân chưa có thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Vì vậy, việc tái chế chất thải rắn sinh hoạt không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, là khâu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và hiện thực hóa cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 (Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, năm 2021).
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là những người tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế hướng tới việc tái sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ với nhiều giải pháp toàn diện thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em trên khắp mọi miền đất nước.
Các cấp Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; khuyến khích các sáng kiến tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, có giá trị thực tiễn cho cộng đồng góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong tái chế, tái sử dụng tài nguyên từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt của các cấp Hội phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 01/01/2025.
Phó Chủ tịch Hội tin tưởng và mong rằng hội viên, phụ nữ sẽ tiếp tục tích cực thực hiện, vận động gia đình, người thân chủ động tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thúc đẩy tiêu dùng xanh trong cộng động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn” các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia truyền thông, tổ chức phi Chính phủ có nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các đơn vị, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn tham gia diễn đàn gồm 2 phiên với các nội dung:
Phiên 1: Vai trò phụ nữ và cộng đồng trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Chia sẻ những thông tin hữu ích về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, những lợi ích quan trọng từ việc phân loại chất thải, bao gồm thực trạng, thuận lợi, khó khăn, thách thức; các mô hình hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ trong phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cộng đồng
Phiên 2: Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn: Chia sẻ trực tiếp những thông tin từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông về kinh nghiệm thực tiễn phát huy vai trò của phụ nữ trong việc triển khai mô hình phát triển kinh tế xanh, sản xuất sạch góp phần bảo vệ môi trường; những sáng kiến, giải pháp, thuận lợi, khó khăn, thách thức của phụ nữ cũng như cộng đồng trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.