Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Phạm Hằng (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội không chỉ nổi bật với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước mà còn tiên phong trong nhiều lĩnh vực phát triển bền vững. Trong đó, công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh, và xóa đói giảm nghèo là những lĩnh vực được chú trọng và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội 
Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: Quang Thái

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội về những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội thời gian qua. 

PV: Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2023, Thành phố đã hoàn thành xây dựng NTM ở 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện, đồng chí có thể đánh giá về một số  kết quả nổi bật trong vấn đề này?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Trong hơn 10 năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân. Đến nay, Thành phố có thêm 77 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến nay là 186 xã và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 544 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. 

Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; hoạt động hỗ trợ, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội thăm Mô hình trồng bưởi, ổi của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Q.A

Đối với 33 chỉ tiêu của Chương trình 04, kết quả đến hết tháng 9/2024 có 11 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch, 15 chỉ tiêu cơ bản đạt phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 và 7 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm.

Thành phố đã giải quyết việc làm cho 178.747 lao động, đạt 108,3% so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 47.341 lao động từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 3.377 tỷ đồng. Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm: 13.571 lao động; số lao động đi xuất khẩu lao động: 3.394 lao động; số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác: 114.441 lao động. 

Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến nay, Thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó khu vực nông thôn còn 676 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,05% so với dân cư khu vực nông thôn (7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo: Thị xã Sơn Tây, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì).

Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao), đạt 82,9% (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm). Lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm), trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ đạt vượt mục tiêu chương trình đề ra trước 1 năm. 

Trên địa bàn Thành phố hiện có 1.491 HTX nông nghiệp; trong đó 1.297 HTX đang hoạt động. Các HTX nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; đã chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho HTX. Đặc biệt, một số HTX đã liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 3
Diện mạo nông thôn của huyện Mỹ Đức đã thực sự “thay da đổi thịt”. Ảnh: TT

Đến nay Thành phố có 331 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.800 lao động; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức đều đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, huyện Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng...

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.638 trang trại, hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao, như: Trang trại giáo dục Erahose, quận Long Biên; trang trại trải nghiệm Vạn An, huyện Thanh Trì; trang trại Bò sữa, huyện Ba Vì,...

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 4
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương và Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh trao Bằng khen cho nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Bảo Lâm

Phát triển kinh tế trang trại góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, bước đầu chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp cho thị trường số lượng nông sản lớn với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn. Thu nhập của các trang trại ngày một nâng cao nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành đội ngũ đầu tàu trong nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo đột phá trong nhóm “Kinh tế tư nhân” góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới...

PV: Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành Thành phố đã chủ động tích cực triển khai các hoạt động để thực hiện Chương trình, đồng chí có thể đánh giá những kết quả nổi bật của Hội LHPN thành phố Hà Nội trong vấn đề này? 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai Hội thảo “Vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội” tại huyện Chương Mỹ. Phát động và tổ chức Cuộc thi trực tuyến clip tiểu phẩm tuyên truyền "Phụ nữ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên trang Fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội; tổ chức đoàn công tác đi học tập, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, mô hình tái chế phân loại, xử lý rác thải; mô hình sản xuất chế biến thủy hải sản tại Quảng Ninh. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về gương điển hình, các mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động phát triển nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; thực hiện chuyên trang, chuyên mục về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trên Báo Phụ nữ Thủ đô, website và Fanpage của Hội LHPN Hà Nội...

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 5
Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) mang lại thu nhập ổn định cho người dân.   Ảnh: Ánh Dương

 Các cấp Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức 25 cuộc tuyên truyền, giới thiệu vận động trên 2.000 hội viên phụ nữ và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thành Hội hỗ trợ ra mắt 4 hợp tác xã do phụ nữ tham gia điều hành, quản lý; ra mắt 2 tổ hợp tác mây tre đan tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì; 2 tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế. Rà soát các HTX nông nghiệp do phụ nữ tham gia quản lý bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; Phối hợp với Hội LHPN các quận, huyện hỗ trợ nâng cao năng lực cho 4.467 nữ chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh trong sản xuất kinh doanh; tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho 550 lao động; giới thiệu việc làm cho 10.245 lao động. Hội LHPN cấp huyện phối hợp hỗ trợ 469 phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp. 

Tính đến ngày 31/8/2024, các cấp Hội duy trì, quản lý tốt nguồn vốn vay từ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng là 9.621 tỷ 289 triệu đồng cho 160.500 hội viên phụ nữ vay vốn (tăng 918 tỷ 338 triệu đồng so với cuối năm 2023). Thành Hội phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024, xét chọn hướng dẫn hoàn thiện 5 dự án thi cấp Trung ương, có 4 dự án đã được chọn thi cấp vùng; tổ chức Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển”; “Ngày Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo”; “Ngày Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh” và quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn; hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố sáng tạo”; phối hợp tổng kết 2 năm thực hiện dự án “Cộng đồng thực hành phương pháp nông nghiệp tương hợp năng lượng”; vận động 300 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm do nữ làm chủ tại các ngày hội, hội thảo do Hội tổ chức; tổ chức các đợt trưng bày thu hút 172 gian hàng tham gia tại “Ngày hội phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo”, Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển”, “Trưng bày sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao của các hợp tác xã, nữ chủ doanh nghiệp”. 

Hà Nội nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới - ảnh 6
Những cung đường 
nông thôn đẹp như tranh vẽ tại huyện Thanh Trì.

Thành Hội tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”; mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” thông qua việc tập huấn, hướng dẫn cách làm IMO, quy trình, kỹ thuật thu gom, xử lý rơm rạ, xử lý rác hữu cơ tại gia đình; thành lập mới 138 mô hình xử lý và phân loại rác tại nguồn với 4.380 hộ gia đình hội viên tham gia tại 18 huyện, thị xã. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng 3 mô hình điểm “Tổ dân phố/thôn/xóm kiểu mẫu”, Chợ “Văn minh - An toàn - Hiệu quả”, “Di tích lịch sử/danh lam thắng cảnh kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; tập trung xây dựng và triển khai nhiều mô hình thiết thực, thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”…   

PV: Đồng chí có thể cho biết một số mục tiêu phấn đấu cuối năm 2024 trong việc thực hiện Chương trình 04, đồng thời có dự kiến gì để hoàn thiện các chỉ tiêu năm 2025?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Hà Nội phấn đấu trong năm 2024 có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 53,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 94% trở lên.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình và sát với thực tế của từng địa phương. Tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch giảm nghèo của Thành phố, đến cuối năm 2025 Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo...

Đối với 7 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, gồm: Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%; phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%; có ít nhất 100 làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Thành phố đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan cùng các địa phương trên cơ sở nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, có giải pháp xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể để hoàn thành đạt chỉ tiêu Chương trình đề ra.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô

Động lực và kỳ vọng mới cho phát triển Thủ đô

(PNTĐ) - Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, và mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 15).
Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội: Bàn giao công trình “Dân vận khéo” tại huyện Thanh Oai

(PNTĐ) - Ngày 9/10/2024, Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội tổ chức bàn giao công trình “Hỗ trợ thiết bị thể dục thể thao cho sân chơi cộng đồng”; tặng quà cho hội viên phụ nữ công giáo có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Đây cũng là hoạt động thiết thực của Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, 70 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội.
Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những Thành phố năng động trên thế giới. Một trong những động lực làm nên thành công là Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hình thành môi trường phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Vị thế mới, tầm vóc mới sau 70 năm ngày giải phóng

Vị thế mới, tầm vóc mới sau 70 năm ngày giải phóng

(PNTĐ) - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Bởi vậy, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh trật tự, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước”.