Hà Nội xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021

Chia sẻ

Sáng 15/1, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021" và công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, để chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021” và Nghị quyết số 02/NQ-CP về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021”.

Hà Nội xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021 - ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố.  

Trước đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 3/12/2020 Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) cũng đã được ban hành, chỉ đạo các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tiếp đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2021.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và thành phố nêu trên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của thành phố với các giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây cũng là thời điểm cận kề Tết Tân Sửu 2021, đặc biệt là cả nước đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự kiện quan trọng mà Hà Nội vinh dự là nơi tổ chức.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành thành phố tập trung góp ý cho thành phố về thể chế, chính sách; hiến kế để thành phố tạo ra bước đột phá ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Năm 2021, thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế rất cao từ 7,5% đến 8%. Ngoài ra, các vấn đề bức xúc đã có chuyển biến nhưng yêu cầu tới đây tiếp tục phải tập trung tạo chuyển biến nhiều hơn nữa để người dân có thể cảm nhận được, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng bộ, chính quyền thành phố.

Trình bày dự thảo Chương trình hành động của UBND thành phố về “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, sau 4 vòng dự thảo và góp ý, chương trình hành động dự kiến dài 21 trang và 3 phụ lục kèm theo. Trong đó, cùng với phân tích dự báo bối cảnh tình hình năm 2021, chương trình xác định rõ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021, mục tiêu tổng quát, chủ đề năm 2021 và 25 chi tiêu chủ yếu, 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

UBND thành phố đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2021. Trong đó, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố sẽ tập trung xử lý các vấn đề về quy hoạch; giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Hà Nội cũng sẽ tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Thành phố tiếp tục cải cách hành chính; duy trì tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đáng chú ý, thành phố đề ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó: Kịch bản 1 được coi là kịch bản cơ sở, tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8%; kịch bản 3 tăng 7%. Chương trình hành động cũng xác định 236 nhiệm vụ giao 37 đầu mối sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã gắn với phân công cơ quan chủ trì, phối hợp và tiến độ thời gian hoàn thành cụ thể.

Trình bày báo cáo về công tác triển khai kế hoạch phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của thành phố và các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về triển khai công tác phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND thành phố đã triển khai toàn diện các phương án nhằm bảo đảm cho nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Báo cáo nêu rõ 10 lĩnh vực công tác đã được triển khai, tổ chức thực hiện. Cụ thể, thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau quả, thủy hải sản, hàng hóa thiết yếu đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Đặc biệt, thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu thực hiện chương trình bình ổn thị trường, gồm 33.075 tấn lương thực, 6.615 tấn thịt lợn, 18.114 tấn thực phẩm chế biến… Nguồn hàng hóa dự kiến kết nối với các tỉnh về Hà Nội để bảo đảm nguồn cung dự kiến đạt 50.000 tấn, trị giá 600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn hàng dự trữ do các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch khai thác chuẩn bị hàng hóa với mức trung bình tăng 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020.

THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

(PNTĐ) - Hai cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán là VIC của Tập đoàn VinGroup và VCB của Ngân hàng Vietcombank tăng điểm giúp VN-Index giữ sắc xanh trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4...
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

(PNTĐ) - Theo công văn của Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.